Lần đầu gặp Lâm Kiêu, tôi biết anh không thích mình nên hơi buồn.
Anh ăn bận rất kỳ lạ, đeo ba sợi dây xích trên cổ, những sợi xích dài ngắn quấn lấy nhau, hình vẽ trên áo giương nanh múa vuốt, áo ngắn tay chồng lên áo dài tay; ngoài ra quần đùi của anh có lỗ thủng cực lớn, để lộ đôi chân không mặc quần thu. Gió thổi lồng lộng ác liệt, trời lạnh như thế, tôi rất muốn che chắn cho anh.
Bà nói chỉ trỏ cách ăn mặc của người khác cũng bất lịch sự giống như rình xem người ta tắm rửa. Ngẫm lại cảm thấy không hay lắm, thế là tôi chỉ có thể quay đầu đi và không nhìn anh nữa.
Nhưng không lâu sau anh lại nói tôi giống như cô bé hái nấm, tôi biết anh chê cười cách ăn mặc của tôi.
Tôi cũng không thích anh.
— Nhật ký của Kinh Trập.
.1
Ngày ấy trời đang đổ mưa, Kinh Trập khoác áo tơi chạy từ sau núi về nhà, nhìn thấy trong nhà có người lạ đến.
Một người đàn ông, khoảng bốn mươi tuổi.
Kinh Trập đang xách cái làn, nhặt một vài cây nấm trong làn lên, vừa đi vừa nói: “Bà ơi, trưa nay nấu canh nấm nhé!” Sau đó cô cởi áo tơi, giũ sạch nước mưa rồi treo lên tường, nhanh chân chạy vào cửa. Cô dừng bước giây lát, dè dặt nhìn vị khách đến thăm nhà.
Trong nhà thường không có khách đến thăm, hơn nữa… có một số người, vừa nhìn đã biết họ sẽ không dễ dàng xuất hiện ở nơi này.
Có lẽ do trực giác mách bảo, tự dưng cô cảm thấy căng thẳng mà không rõ lý do.
Cứ có cảm giác sắp xảy ra chuyện gì đó.
Bà kéo cô đến giới thiệu với khách: “Con gái của Tiểu Thất, Kinh Trập.”
Sau đó bà nói với cô: “Bạn của mẹ cháu, chú Lâm đấy.”
Mẹ cô đã qua đời nhiều năm.
Người đàn ông kia cúi đầu quan sát Kinh Trập, vẻ mặt lộ ra vài phần có thể gọi là tưởng nhớ, vươn tay ra khoa tay múa chân: “Đã lớn thế này rồi sao?”
Bà mỉm cười: “Con quên à, nó chỉ nhỏ hơn Nghiêu Nghiêu nửa năm thôi.”
Người đàn ông bật cười: “Sao con quên được chứ. Hồi nhỏ cô Thẩm còn nói muốn tặng cho Nghiêu Nghiêu làm con dâu nuôi từ bé, doạ thằng nhỏ rằng sau này sẽ ăn của nó, uống của nó, còn lấy tiền tiêu vặt của nó, làm nó sợ tới mức khóc hu hu, từ đó về sau không dám đến nữa.”
Mà cũng không có cơ hội đến nữa. Chưa được vài năm Thẩm Hàn Tê đã qua đời, bà cụ thu dọn đồ đạc rồi đưa cháu gái từ huyện về sống ở căn nhà cũ trong núi sâu, thậm chí không có địa chỉ cụ thể. Lâm Chính Trạch từng thử tìm đến, mất rất nhiều năm mới nghe ngóng được phương hướng rõ ràng. Ông ấy biết bà cụ không muốn bị quấy rầy nên chỉ gửi thư và đồ ăn vài lần, mãi đến năm nay mới có cơ hội đến tận nhà.
Mẹ qua đời lâu như vậy, mỗi lần bà nhắc đến mẹ thường im lặng rất lâu, bây giờ bà lại cười ha ha với người đàn ông này. Có lẽ do bà nhớ đến chuyện cũ thú vị, hoặc cũng có thể đã thật sự nguôi ngoai.
Hồi đó Kinh Trập còn bé nên không có ký ức rõ ràng, bây giờ nghe người khác kể lại chuyện cũ. Qua cuộc trò chuyện của họ, cô đoán được Nghiêu Nghiêu mà họ nhắc đến chính là Lâm Kiêu – con trai của chú Lâm, tên ở nhà là Nghiêu Nghiêu. Hồi nhỏ bố mẹ bận rộn công việc, anh lớn lên ở nhà bà ngoại nên bị chiều hư, ăn chơi sành sỏi nhưng học hành thì nát bét, môn học nào cũng bị báo hiệu đèn đỏ, thành tích lúc cao lúc thấp, kích thích hơn cả điện tâm đồ. May mà kỳ thi tuyển sinh cấp ba anh thi đậu trường trung học phụ thuộc, bằng không bố mẹ anh cũng mắc bệnh tim.
Chú Lâm nói dì Lâm từng muốn tìm một người bạn để học chung với anh, chú ấy không đồng ý, cảm thấy vợ mình làm giống như mấy nhà tư bản quá.
“Lúc con còn nhỏ, xin đi học cũng không được. Chiều nó quá rồi.”
Bà hùa theo: “Nuôi một đứa trẻ không dễ dàng gì.”
Vốn tưởng đâu chỉ là một lần thăm hỏi bình thường, đôi bên trò chuyện nhạt nhẽo, nhàm chán quá trời quá đất. Kinh Trập ngồi đó mà buồn ngủ mơ màng, cố gượng tinh thần, hai người kia lại đổi chủ đề khác. Người đàn ông nói bóng nói gió về tình hình đi học của Kinh Trập, biết được bà đang buồn rầu, chú ấy chuyển hướng câu chuyện ngay: “Chọn trường cấp ba cũng không nên qua loa, thành tích của Muội Muội không tệ, hay là con đưa cháu nó đến thành phố ở vài năm, tránh trì hoãn việc học, nói không chừng cháu nó còn có thể thay con đôn đốc Lâm Kiêu học hành, như vậy càng tốt, đỡ cho mẹ thằng bé suốt ngày nghĩ đến chuyện tìm bạn học chung với nó, đầu con cũng sắp phình to.”
Những năm đầu mẹ vừa mất, cũng có người muốn đưa Kinh Trập đi, nam hay nữ đều có. Bà một mực đuổi họ ra ngoài, đến khi không chịu nổi sự phiền nhiễu đó nữa, bà bèn thu dọn hành lý rồi nắm tay Kinh Trập, dắt cô đi lảo đảo từng bước vào trong núi sâu.
Năm ấy đường vào núi chưa được sửa sang, người ta đi mãi nên thành con đường uốn lượn quanh co. Lối đi chật hẹp, hai người không thể sóng đôi, ngoảnh đầu qua là thấy vách đá dựng đứng sâu hun hút. Bà nắm tay cô, hỏi nhỏ: “Muội Muội có sợ không?”
Kinh Trập lắc đầu, ôm eo bảo vệ bà.
Bà đưa tay vuốt ve mái đầu cô: “Đừng sợ, dù chỉ còn một hơi thở, bà cũng phải nhìn cháu lớn khôn.”
Mưa rơi từng giọt tí tách ngoài cửa sổ, lá cây bị nước mưa lộp độp giáng trúng, Kinh Trập nín thở một lát.
Cô tưởng đâu lần này bà cũng từ chối, nhưng bà chỉ im lặng một lát rồi vào buồng trong, tìm chiếc hộp sắt được cất trong tủ thấp kiểu xưa làm từ gỗ Hoàng Hoa Lê(*), trong hộp sắt còn một hộp gỗ nhỏ, chiếc khăn tay được cuộn lại và đặt trong hộp gỗ ấy, khăn bọc một tấm thẻ ngân hàng với một cuộn tiền. Bà đưa cho Lâm Chính Trạch, ý bà là đứa trẻ này trông cậy hết vào con.
(*) Gỗ Hoàng Hoa Lê, hay còn gọi là gỗ Sưa.
Bà ôm lấy đôi bàn tay của người đàn ông, bờ môi khô quắt hơi mấp máy nhưng mãi chẳng thốt nên lời, chỉ vỗ nhẹ vào tay chú ấy, đồng thời nhét chiếc khăn vào lòng tay chú ấy: “A Trạch à, dì hiểu ý con nên cũng không khách sáo nữa. Dì già rồi, con nể mặt Tiểu Thất, chăm sóc đứa trẻ này thay dì. Con bé học hành không tệ, đầu óc cũng nhanh nhạy. Chuyện gì nó cũng biết làm hết, con cứ sai bảo nó.”
Bà muốn nói rất nhiều điều, cuối cùng lại thành ra nói năng không rõ đầu đuôi.
Lâm Chính Trạch cảm động, vội vàng đỡ bà: “Sao dì Thẩm lại nói thế, dì nói làm con ngại muốn chết. Nhà con có nơi ăn chốn ở, chỉ thêm một đôi đũa thôi ạ, nếu Muội Muội đồng ý đến ở, con vui còn không kịp. Trong nhà có một đứa trẻ chững chạc, ít nhiều gì sẽ mang lại ảnh hưởng tốt cho Lâm Kiêu, con cầu còn không được.”
Hai người lại trò chuyện với nhau đôi câu, cảnh này giống như đang trịnh trọng gửi gắm. Đôi mắt Kinh Trập đỏ hoe, không thốt ra câu nào.
Cô có thể nghe ra được bà và chú Lâm thăm dò lẫn nhau.
Một người sợ hãi sẽ gây thêm phiền phức cho đối phương, một người sợ đối phương không chịu phiền đến mình.
Đến tận khi bà kéo cô vào buồng, không ngừng vuốt ve mái đầu cô, nghẹn ngào nói: “Đón người ta đến nhà mình ở đâu phải chuyện dễ dàng, chú Lâm cũng không phải muốn tìm bạn học chung với con trai mình đâu. Chú ấy cố tình đi một chuyến xa xôi như vậy, thật ra là vì muốn cháu nhận được sự giáo dục tốt hơn. Cháu đừng phụ lòng chú ấy nhé, phải siêng năng học hành giỏi giang, đồng thời giúp đỡ Lâm Kiêu, có biết chưa?”
Thật ra điều quan trọng nhất là bà thật sự lớn tuổi rồi.
Kinh Trập cảm thấy lòng mình chua xót, muốn nói cháu không đi, nhưng bà cứ liên tục vuốt ve mái đầu cô, khiến cô bỗng suy nghĩ cẩn thận một số việc.
Thế là cô gật đầu: “Dạ.”
Bà khẽ thở dài: “Bé ngoan.”
Chú Lâm chỉ nán lại một hôm, đợi mưa tạnh rồi đi ngay, nói rằng khi nào khai giảng sẽ đón Kinh Trập đi. Khoảng thời gian sau đó, bà thường kể cho cô nghe về chú Lâm. Chú Lâm và mẹ cô vốn không quen biết, chú ấy học Thực Vật, năm nọ vào núi thu gom tiêu bản rồi bị lạc mất phương hướng, bạn bè chú ấy đi tìm người cùng quê. Lúc đó là ban đêm, trời tối không thấy đốm sao nào, người cùng quê nói rằng phải đợi đến khi trời hửng sáng. Mẹ cô lấy đèn pin ra chiếu rọi xung quanh, nói rằng sắp đổ mưa, nếu để qua đêm sẽ tới công chuyện. Sau đó bà mặc áo mưa và mang ủng cao su, cầm đèn pin chạy vào núi sâu, tìm được người ở hang động bên sườn dốc, kế tiếp bà cõng chú Lâm đã sốt cao đến váng đầu ra khỏi núi.
Chú Lâm tự nhận mẹ cô là ân nhân cứu mạng, mỗi khi đến ngày lễ ngày Tết, chú ấy đều tới thăm hỏi bà.
Đôi bên thường xuyên qua lại nên quen thuộc, tình cờ phát hiện vốn dĩ quen biết nhau ngay từ đầu. Thuở nhỏ, nhà chú Lâm gặp chuyện nên đưa chú ấy về quê. Họ hàng trong thôn không muốn trông nom nên thường xuyên nhốt chú ấy ở nhà. Lòng tự trọng của chú Lâm quá mạnh, cuối cùng chú ấy hạ quyết tâm, định bụng bỏ nhà trốn đi. Sau khi chú Lâm đi thì trời đổ mưa to, họ hàng nhốt chú ấy ở bên ngoài. Thông qua kẹt cửa, chú Lâm nhìn thấy đèn sáng và tiếng nói tiếng cười vui vẻ trong nhà, sửng sốt vài giây rồi xoay người bỏ đi.
Chú ấy quanh quẩn ở thị trấn vài ngày, gặp được mẹ cô đang vội vã đến trường, vì không có tiền nên chú ấy cứ quanh quẩn gần nhà ga.
Mẹ cô thấy cả người chú Lâm nhếch nhác nhưng mặt mày kiêu ngạo chính trực, làng trên xóm dưới làm gì có bí mật, bà đoán được chú ấy là con nhà ai, đồng thời biết được hoàn cảnh của chú ấy, đoán được chú ấy muốn bỏ đi nhưng không có tiền. Thế là bà rủ lòng thương xót, giúp chú Lâm liên lạc với người thân rồi chạy tới chạy lui, gom góp cho chú ấy ít tiền để chú ấy tự mình quyết định.
Phí sinh hoạt của mẹ cô cũng không nhiều nhưng lại nhét cho chú Lâm một trăm đồng. Thời ấy, một trăm đồng là con số lớn, mẹ cô biết chú ấy nhưng chú ấy lại không quen mẹ cô, không ngừng hỏi tên với địa chỉ nhà bà, định bụng sau này đền ơn báo đáp. Mẹ cô cực kỳ đề phòng nên không trả lời, chỉ nói nửa đùa nửa thật: “Chờ sau này cậu phát đạt thì về núi sửa đường là được, mỗi ngày trẻ con đi học đều giẫm đầy bùn đất.”
Chú Lâm trịnh trọng gật đầu.
Hình như về sau chú ấy gặp thời nên phát đạt thật, bây giờ có hai con đường quanh co vào núi, đường chính do Chính phủ tu sửa, đường phụ là chú Lâm quyên góp từ thiện, Kinh Trập thường xuyên đi học trên con đường ấy.
Cô cảm thấy không thể nào tưởng tượng nổi.
Có lẽ đây cũng là lý do khiến bà yên tâm gửi gắm cô cho chú Lâm.
Chú ấy là người cực kỳ chân thành. Mấy năm nay cô và bà sống trong núi sâu, dần dần không liên lạc với những người họ hàng khác, cũng chỉ còn chú Lâm thường hay quan tâm giúp đỡ đôi chút.
Trừ những lúc nhắc đến chuyện cũ, thời gian còn lại, bà vừa thu xếp đồ cho cô, vừa thu dọn đồ đạc của mình.
Kinh Trập muốn đi tìm chú Lâm, bà sợ cô lo lắng nên nói rằng bà muốn dọn đến ở nhà bà Vạn.
Bà Vạn cũng goá bụa, có một đứa cháu trai tên là Vạn Khôn, bố mẹ sống ở thị trấn, nghỉ hè mới đưa cậu ta về quê. Mạng mẽo trong núi không nhanh, đường đi cũng không được tốt, ngày nào cậu ta cũng trèo lên sườn núi cao, ngồi trên tảng đá lớn chơi game.
Lúc Kinh Trập đưa đồ đạc của bà đến nhà bà Vạn thì bắt gặp Vạn Khôn đang chuẩn bị ra ngoài. Nhìn thấy cô, cậu ta bỗng nhiên dừng bước, sáp tới gần và hỏi: “Nghe nói em sắp đi Nam Lâm à?”
Kinh Trập gật đầu.
Vạn Khôn bĩu môi: “Thành phố lớn mà.”
Kinh Trập không có khái niệm về điều đó nên không hé răng.
Vạn Khôn cố tình dọa cô: “Người ở thành phố lớn rất thờ ơ lạnh nhạt, coi chừng đến đó người ta chê cười em là đồ nhà quê đấy.”
Kinh Trập ngẩng đầu nhìn cậu ta, ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi nhỏ: “Anh không muốn em đi sao?”
Vạn Khôn giống như giẫm trúng đuôi mèo, cậu ta đột ngột nhảy giật lùi ra sau: “Anh làm gì… làm gì mà không muốn em đi, em đi hay không đâu có liên quan đến anh.”
Kinh Trập nghiêng đầu suy nghĩ, hình như cũng đúng. Cô lấy chiếc túi vải bố trong túi xách ra, trong túi là non nửa gói kẹo mạch nha, sau đó đưa cho Vạn Khôn: “Em cũng không nỡ xa anh với bà Vạn, nhưng em phải đi thôi. Số kẹo này do em làm đấy, dùng gạo nếp bọc bên ngoài, không nỡ ăn viên nào luôn.”
Vạn Khôn hơi lắp bắp: “Tặng, tặng anh hả?”
Kinh Trập gật đầu: “Sau này nếu anh có thời gian thì giúp em chăm sóc bà nhé.”
Vạn Khôn nhét kẹo vào túi mình, vỗ ngực đảm bảo: “Chuyện nhỏ thôi mà, cứ để anh lo.”
Kinh Trập ngẩng đầu mỉm cười với cậu ta. Đôi mắt cô đen láy, sáng lấp lánh như vì sao ẩn giấu, Vạn Khôn không khỏi cười toét miệng, nhưng nghĩ đến chuyện cô sắp đi đến một nơi rất xa, bờ môi cậu ta không kìm được trĩu xuống.
Cậu ta nói: “Nghỉ đông với nghỉ hè, em nhớ phải về đấy.”
Kinh Trập gật đầu.
Đến tận cuối tháng Tám, chú Lâm mới đến đây. Đồ đạc của Kinh Trập đã được thu dọn xong xuôi, chú Lâm nhìn từng vali to nhỏ của cô rồi nói với bà: “Trong nhà con có đủ mọi thứ, nếu như mang qua đấy hết, sau này quay về cũng không tiện lắm.”
Bà hỏi: “Có phải không mang theo được không?”
Lâm Chính Trạch: “Không phải ạ.” Chú ấy chỉ chiếc xe: “Bao nhiêu cũng chứa đủ.”
Bà bèn xua tay: “Vậy thì mang hết đi!” Sau đó bà với Kinh Trập: “Nghỉ hè và nghỉ đông phải siêng năng học hành, đừng chạy về đây hoài, đường trong núi không dễ đi, một bà già như bà cũng không có gì hay ho để thăm. Đợi khi nào cháu thi đại học thì đón bà đến gần trường cháu ở, bà cũng muốn nhìn thử cháu học đại học như thế nào.”
Suốt mùa hè Kinh Trập không hề khóc, bây giờ đột nhiên rơi nước mắt. Cô giơ mu bàn tay lau nước mắt, lau đến mức mí mắt đỏ bừng đau đớn.
Bà vỗ vai cô: “Khóc gì chứ, lớn đầu rồi mà.”
Kinh Trập lên xe. Mùa đông ở núi Lạc Âm lạnh đến thấu xương, cô ghé vào cửa sổ xe, nhìn ra phía sau. Người già sợ lạnh, bà mặc chiếc áo bông mỏng manh, gió luồn khắp vạt áo bà. Bà còng lưng đứng đó vẫy tay với cô, thân hình mỏng manh tưởng như không chống nổi lớp áo.
Cánh mũi Kinh Trập xót xa.
Cô nhớ hồi mẹ mình còn sống, mẹ thường nói là muốn đưa bà đến thăm trường đại học của mẹ. Ngày trước bà dạy học ở trường cấp một, hôm nào đám trẻ con cũng la ó, mỗi ngày một kiểu khác nhau. Hôm nay đứa này không đi học, hôm sau đứa kia nói phải về nhà chăn bò thả dê, bà không kiên nhẫn nói rằng: “Mẹ làm gì có nhiều thời gian, từ cấp một đến đại học, trường ở đâu mà chẳng phải trường học. Mẹ cũng dạy học ở trường, cần gì phải chạy xa thế để xem một tòa nhà.”
Mẹ cô bĩu môi: “Mẹ không đi thì thôi.”
Sau này mẹ cô mất, bà thường xuyên vu vơ nỉ non với cô: “Không biết trường đại học như thế nào nhỉ, về sau cháu lớn lên thi đại học, nhớ đưa bà đi xem thử nhé, cả đời bà chưa từng rời huyện bao giờ.”
Kinh Trập biết bà chỉ đang nhớ mẹ cô.
Cô cũng hơi nhớ mẹ rồi.
Cô muốn đưa bà đến trường đại học nhìn xem.
“Chờ thu xếp cho cháu xong xuôi, chú sẽ tìm cơ hội đón bà cháu đến.” Lâm Chính Trạch thấy Kinh Trập buồn bã nên không đành lòng.
Kinh Trập nói lời cảm ơn, cô biết bà sẽ không đi nhưng vẫn ôm chút hy vọng nho nhỏ.
Đường núi quanh co không hề dễ đi, hôm nay gió lại quá lớn, tài xế không khỏi thở ngắn than dài. Lâm Chính Trạch vốn đặt laptop trên đùi, dự định xử lý một số công việc nhưng cũng không còn tâm trạng, đành nghiêng đầu ngắm phong cảnh dọc đường.
Chú ấy đột nhiên quay qua hỏi: “Có thể chụp một bức hình với chú không? Dì còn chưa gặp cháu lần nào, để cho dì ấy nhìn xem.”
Kinh Trập gật đầu, Lâm Chính Trạch lấy di động ra rồi nhắm ống kính vào hai người, nhưng không thể nào nhắm trúng mình. Thế là chú ấy điều chỉnh tiêu điểm ngay mặt Kinh Trập. Kinh Trập mở to mắt, không khỏi mất tự nhiên mà nhoẻn miệng, đồng thời giơ hai ngón tay lên.
Tách.
Lâm Chính Trạch tiện tay gửi cho vợ và con trai, muốn để họ biết mặt cô trước.
Mạng không ổn lắm, tải hình ảnh hồi lâu mà mãi chưa gửi đi được, chú Lâm đành tắt di động, rất lâu sau mới nhận được tin nhắn bằng giọng nói. Chú ấy mệt mỏi tiện tay ấn mở, thế là lập tức nghe thấy một tràng phỉ nhổ như thuốc súng nổ liên hồi đến từ vị trí của thằng con trai xúi quẩy: “Làm gì thế bố, con còn chưa thành niên mà phải xem mắt à? Không hợp chút nào!”
Sắc mặt Lâm Chính Trạch cứng đờ, chú ấy quay qua nói với Kinh Trập: “Ngại quá, để cháu chê cười rồi.”
Sau đó chú ấy nghiến răng nghiến lợi nói với di động: “Con mà cũng xứng à!
–
Kinh Trập đến Nam Lâm, dọc đường đi cũng không quá thuận lợi.
Lâm Chính Trạch chờ đến tận ngày khai giảng mới đến đây đón người, bởi vì công ty chú ấy bận đến độ sứt đầu mẻ trán, chú ấy lại không muốn nhờ người khác đi đón Kinh Trập, chờ tới khi không thể ngâm dài hơn được nữa, cuối cùng chú ấy mới chạy đến.
Chú Lâm quá hiểu tính tình của bà cụ, có thể thuyết phục bà gửi gắm cháu gái là chuyện cực kỳ khó khăn. Nếu chú ấy không tự mình đi, bất kể lấy lý do chân thành đến đâu, đối phương đều có khả năng đổi ý ngay tức thì.
Vợ chú ấy là Hình Mạn, bất mãn nói: “Em thật sự hối hận vì năm đó không đi theo anh gặp gỡ cô giáo Thẩm nhiều hơn.”
Lâm Chính Trạch nghiêng đầu: “Hở?”
Hình Mạn bĩu môi: “Cô ấy có thể làm anh để bụng như vậy. Rõ ràng cô ấy làm chuyện tốt, thế mà cứ như thể anh thiếu nợ người ta.”
Lâm Chính Trạch hết cách: “Anh giải thích với em rồi mà, huống hồ anh thật sự thiếu nợ cô ấy.”
Hình Mạn xua tay: “Em cũng có nói gì đâu, ngay từ đầu em không đồng ý mà, em thật sự muốn qua lại với cô ấy nhiều hơn.”
Lâm Chính Trạch cũng bộc lộ đôi phần nhớ nhung: “Có lẽ cô ấy sẽ thích em lắm.” Dứt lời, chú ấy tạm dừng rất lâu rồi mới nói: “Đáng tiếc.”
Không có cơ hội.
Hình Mạn thật sự cảm thấy tiếc nuối. Từ khi quen biết Lâm Chính Trạch, dì ấy chỉ biết có người như thế tồn tại. Thời buổi này, nhắc tới hai chữ ân nhân cứ thấy buồn cười thế nào ấy, giữa người với người, làm gì có ơn nghĩa lớn đến như vậy.
Thậm chí đôi khi Hình Mạn nghi ngờ lung tung, hoài nghi hai người kia có quan hệ không thể nói. Lâm Chính Trạch là người thật thà chất phác, bộc lộ đôi chút ngốc nghếch, vừa bị chất vấn đã sốt ruột đến mức không sao kìm được, thành thật nói hết từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từng lời nói từng hành động, mỗi một chi tiết hay nỗi niềm đều được trình bày cụ thể. Năm đó tình yêu của đôi bên cũng không quá bền chặt, so với nhà Lâm Chính Trạch, có thể nói gia đình Hình Mạn có gốc gác thâm sâu hơn. Bố của dì ấy luôn có một số thành kiến, cảm thấy Lâm Chính Trạch đầy âm mưu chỉ muốn giảm bớt vài chục năm phấn đấu, nghiêm khắc cấm dì ấy phát triển tình cảm sâu hơn. Có lẽ dì ấy thật sự do dự, Lâm Chính Trạch cũng không phải không phát hiện ra, vì thế giữa hai người luôn có thứ gì đấy ngăn cách.
Không ngờ lại nhờ sự kiện kia, Hình Mạn mới thật sự hiểu biết thêm về Lâm Chính Trạch, thậm chí năm đó dì ấy cảm thấy cả đời mình sẽ không gặp được người tốt như thế nữa.
Nói tiếp, Thẩm Hàn Tê là bà mối của Hình Mạn, lúc mới kết hôn đã hẹn nhau rằng khi nào rảnh sẽ đến thăm hỏi, nhưng núi Lạc Âm thật sự quá xa Nam Lâm. Hồi đó Hình Mạn còn trẻ mà ham chơi, lần nào cũng cảm thấy có đủ thứ chuyện quan trọng hơn nên cứ lần lữa mãi không đi.
Không tới vài năm, Thẩm Hàn Tê qua đời, Hình Mạn chỉ kịp đến tham gia lễ tang. Đó là lần đầu dì ấy đến núi Lạc Âm, điều kiện kém hơn mình tưởng tượng. Lễ tang được tổ chức đơn giản, bia mộ quay theo hướng triền núi, Hình Mạn ghi nhớ sâu sắc từng chữ được viết trên bia mộ. Trên đó viết rằng: Xin đừng quấy rầy tôi ngắm sao.
Ảnh chụp trên bia mộ là ảnh trắng đen, không quê mùa như Hình Mạn tưởng tượng, mái tóc xoăn dài xõa ra, ánh mắt kèm theo sự kiêu ngạo, bờ môi nở nụ cười thật vi diệu, thêm chút gì đó vui mừng mà lại bớt đi đôi phần xa cách, hoàn toàn là kiểu lạnh nhạt hững hờ không màng đến mọi thứ xung quanh.
Hình Mạn nhiều lời hỏi một câu: “Chồng cô ấy…?”
Lâm Chính Trạch lắc đầu, làm dấu khẽ thôi: “Đừng nhắc đến trước mặt cô ấy.”
Ký ức của Hình Mạn về Thẩm Hàn Tê chỉ có bấy nhiêu, dĩ nhiên không thể nói là ân cần với con gái của đối phương. Dì ấy đề nghị thay chồng đi đón nhưng Lâm Chính Trạch từ chối, tự mình lên đường, mà bên công ty thật sự sứt đầu mẻ trán.
Hai bên đều khó xử như nhau. Sau khi đón được Kinh Trập thì Lâm Chính Trạch đưa cô vòng đến thành phố A để tiện làm việc, kết quả Kinh Trập sang đến bên đó, vì không hợp với thời tiết nên vừa tới thành phố A cô đã sốt cao không giảm, vào viện nằm suốt một tuần.
Lúc về phải vội vàng đi cho kịp chuyến bay, thầm nghĩ mau chóng trở về, kết quả lại gặp chuyện khẩn cấp, phải đáp máy bay xuống Khương Châu để phối hợp điều tra, kéo dài thêm ba bốn ngày. Vì thế khi cô đến Nam Lâm thì trường đã khai giảng được một tuần.
Vì vấn đề thủ tục với không hợp thời tiết, cô ngóc đầu trở lại vẫn không thể nhập học kịp thời. Cuối cùng hôm nay mới có thể đến trường, Lâm Kiêu đã huấn luyện quân sự xong xuôi, đi học cả tuần rồi.
Kinh Trập vẫn chưa thể thích ứng với cuộc sống ở thành phố lớn. Nhà lầu cao tầng, xe cộ qua lại quá đông đúc, nơi nào cũng vô cùng xa lạ.
Năm nay mùa thu ở Nam Lâm đến đặc biệt sớm, không đợi đến Quốc Khánh trường học đã cho phép học sinh đổi sang đồng phục mùa thu.
Hình Mạn vốn đồng ý với Lâm Chính Trạch rằng sẽ đưa Kinh Trập đến trường, nhưng sáng sớm lại nhận được cuộc gọi nói có việc gấp. Dì ấy đi tới đi lui mấy bước, đau đầu xoa bóp giữa mày, sau đó quay đầu nói với con trai đang ngồi ở bàn ăn: “Lát nữa con giúp mẹ đưa Muội Muội đến trường rồi chào hỏi thầy Hồ của con nhé, sau đó thuận tiện dẫn con bé đi làm quen với hoàn cảnh xung quanh luôn.”
Thủ tục đã làm xong, học tịch (**) cũng có tên tuổi, cứ đi tìm giáo viên chủ nhiệm xem có thu xếp gì nữa không là được. Vì thế Kinh Trập vốn hơi dè dặt ngồi ở bàn ăn, chỉ biết vùi đầu ăn uống, bấy giờ cô giơ tay lên: “Dì ơi, cháu… tự đi là được ạ.”
(**) Học tịch: Sổ ghi tên cũng như tư cách của học sinh một trường nào đó.
Tiếng nói lanh lảnh kèm theo đôi phần mềm mại, tiếng Phổ Thông của cô không lưu loát, lúc nói chuyện cô thường cố tình kéo dài, có hơi cắn chữ, trông khá ngốc nghếch mà cũng rất ngoan.
Hai ngày trước Lâm Kiêu đã lãnh đồng phục về cho cô, bây giờ cô mặc đồng phục, trái lại thuận mắt hơn mấy ngày trước nhiều nhỉ?
Lần nào nhìn cô Lâm Kiêu cũng như đang nhìn động vật quý hiếm, bởi vì anh cảm thấy hệ thần kinh của Thẩm Kinh Trập khác với người thường.
Nói tóm lại là… không thông minh cho lắm.
Ngày nọ anh trêu chọc Kinh Trập là cô bé hái nấm, môi cô cứ mím lại, cuối cùng nói: “Nếu anh đến núi Lạc Âm, em có thể hái nấm cho anh, nấm tươi có thể hầm canh cực kỳ thơm ngon.”
Anh cứng họng ngay tức thì: “À thế à?”
Kinh Trập gật đầu.
Lâm Kiêu quay đầu, mẹ anh dứt khoát tát cho một cái: “Sao mà cái mồm thèm đòn thế nhỉ.”
Hôm đó anh trình bày quan điểm một cách khéo léo rằng Muội Muội không quá thông minh, ai ngờ bố Lâm cho anh thêm cái tát nữa: “Con thi Toán chỉ được bốn mươi điểm, thế mà còn không biết xấu hổ à?”
Từ đó trở đi, anh cảm thấy địa vị của mình ở gia đình bị tấn công sâu sắc, cứ nhìn thấy cô là anh khó chịu cả người.
Tài xế A Long trong nhà vốn được mời đến để đưa rước Lâm Kiêu đi học, bây giờ đưa cả Kinh Trập đi theo, Kinh Trập không cần lo mình đi lạc nữa.
Đến trường học, Kinh Trập cảm thấy mình cũng có miệng để nói, không cần Lâm Kiêu đặc biệt đưa đi.
Bởi vì trông anh có vẻ quá miễn cưỡng, mà cô không hề thích làm khó người khác.
Lâm Kiêu ngồi đối diện ở bàn ăn, bộ mặt thật sự tê liệt, chẳng ư chẳng hử rằng có được hay không.
Hình Mạn nhìn cô bé ngoan ngoãn, lập tức tỏ vẻ dịu dàng đến mức vắt ra nước, dì ấy kiên quyết nói: “Để nó đưa cháu đi, khó khăn lắm mới lợi dụng được đồ bỏ này, đừng nên lãng phí. Ngày nào nó cũng rảnh rang không có chuyện gì làm.”
Kinh Trập há hốc mồm. Tuy dì ấy mắng Lâm Kiêu nhưng trái lại khiến cô cảm thấy ngượng ngùng, có lẽ do bà cụ luôn dặn cô phải giúp đỡ Lâm Kiêu, cô luôn cảm thấy mình cần phải gánh vác trách nhiệm tương ứng.
Hình Mạn vội vã cầm túi lên, trước khi đi còn xoa đầu Kinh Trập, nở nụ cười hiền lành: “Đừng sợ nhé, tính nết nó vậy đấy. Nếu nó bắt nạt cháu, khi nào về dì sẽ xử sau. Cháu cứ việc làm phiền nó, coi nó như anh trai, đừng khách sáo.”
Kinh Trập biết đối phương chỉ khách sáo, đồng thời cảm thấy Lâm Kiêu không thích mình là chuyện thường tình, nhưng cô vẫn gật đầu nghe theo.
Chàng trai ngồi đối diện bàn ăn ngước mắt lên nhìn mẹ mình mà cảm thấy không biết nói gì hơn, anh cười nhạt: “Mẹ vừa đi, con sẽ bán em ấy.”
Nói xong anh lại cảm thấy nhạt nhẽo, mím môi.
May mà Thẩm Kinh Trập không cảm thấy mình bị xúc phạm, nét mặt cô vẫn bình thường.
Hình Mạn không hề nể tình mà vạch trần anh: “Với điểm Toán không đạt chuẩn của con thì tính giá tiền không nổi đâu, Muội Muội không bán con thì thôi chứ.”
Lâm Kiêu: “…”
Hình Mạn không có thời gian nhiều lời với anh, dì ấy lại dặn dò anh đưa Kinh Trập đến trường, sau đó xỏ giày cao gót rồi cất bước lộc cộc bỏ đi. Bên bàn ăn chỉ còn Kinh Trập với Lâm Kiêu, Lâm Kiêu một mực cúi đầu ăn cơm, Kinh Trập cũng không nói câu gì, người nào người nấy đều im hơi lặng tiếng.
Hồi lâu sau, Kinh Trập đột nhiên lên tiếng: “Bài tập Toán của anh… chưa làm xong.”
Thật ra cô đã nói khéo lắm rồi, cặp sách của anh bị ném trên ban công tầng hai, cả đêm không động tới.
Tối hôm qua trong nhóm chat của lớp, đại diện môn Toán khuyên bảo hết nước hết cái, thông báo với mọi người rằng nếu hôm nay không nộp bài tập sẽ chết chắc, tiết học đầu tiên chính là tiết Toán.
Truyện [Tín Đồ Ngày Xuân] được Làn Truyện edit và đăng tải duy nhất tại lantruyen.vn!
Lúc Lâm Chính Trạch dẫn người về, có thể do muốn hoà hoãn không khí xấu hổ giữa hai người nên chú ấy nói năng rất chân thành: “Sau này hai đứa là bạn học, phải giúp đỡ và săn sóc lẫn nhau.”
Vì thế cho dù cô cảm thấy mình chưa quen thuộc, nhiều lời không tiện, nhưng cô vẫn cực kỳ có cảm giác mình phải gánh vác trách nhiệm.
Bộ mặt Lâm Kiêu như bị táo bón, lập tức muốn đáp lại theo bản năng: Bớt lo chuyện người khác.
Nhưng nhìn gương mặt của cô, anh lại nói không nên lời.
Lớn đến từng tuổi này anh chưa từng gặp người nào có bộ mặt ngây thơ vô tội như cô, giống như động vật mới sinh ra vậy, yếu ớt, ngây thơ, yếu mềm tội nghiệp, cực kỳ mang tính lừa gạt. Từ lần đầu gặp mặt, lông mày cau có của anh cũng nhịn không được mà giãn ra, sợ mình nhíu mày dọa cô khóc.
Nhưng đúng là cô hơi ngây thơ, không ăn nhập với vẻ yếu ớt hay điềm đạm đáng yêu.
Dù sao lần đầu gặp mặt đã khiến anh có ấn tượng sâu sắc, cô gọi một tiếng “anh ơi” ngay trước mặt anh, ngoan ngoãn nghe lời, khiến anh phải đè ép một bụng đầy ý xấu, thầm nghĩ dù không muốn cũng không thể bắt nạt người ta! Người ta phải chạy từ quê hương xa xôi đến đây mà.
Lúc xuống xe, Lâm Chính Trạch vừa vặn nhận được cuộc gọi phải đi xa. Tài xế giúp cô xách vali lớn nhất, cô đứng ở sau xe, muốn xách túi hành lý bằng mây tre, không có bánh xe, vừa xách lên đã thấy nó cao ngang eo mình, xem ra không hề nhỏ, trái ngược với thân hình bé bỏng yếu ớt của cô. Tuy Lâm Kiêu không muốn lắm nhưng anh vẫn bước qua: “Để anh xách giúp em.”
Cô nhìn anh rồi lắc đầu: “Để em xách thôi, nặng lắm.”
Nét mặt cô như đang nói: Anh xách không nổi.
Lần đầu trong đời bị một cô bé thấp hơn mình khinh thường, Lâm Kiêu hơi phản nghịch mà cười nhạt, vẫy tay ra hiệu cho cô tránh ra, như thể sắp sửa tỏ ra ngầu lòi ngay trước mặt cô. Sau đó anh xách hành lý lên, suýt nữa thì vụt đến ngang hông, trong đầu anh toàn là: Em bỏ bom hay bỏ đá trong này thế?
Cánh tay anh nổi đầy gân xanh, suýt nữa đã biểu diễn một màn vả mặt ngay tại chỗ. Anh vẫn cứng đầu căng mặt, tự nhận mình rất đẹp trai mà xách lên tầng, quay đầu lại thì thấy cô xách hành lý lớn hơn nữa và đi theo sau. Mặt anh vẫn không đổi sắc, hơi thở cũng không rối loạn, kìm nén từng cơn thở dốc, ma xui quỷ khiến vươn tay thử cân nặng của hành lý mà cô đang xách, sau đó nhếch mép nói: “Sức lực không vừa đâu.”
Cô chớp mắt gật đầu: “Ở nhà phải làm việc ạ.”
Sao nào, nói móc ai không làm việc đó?
Anh không nói gì nữa, hôm sau đi chạy bộ.
Quả thực cô đang xoay quanh nhắc nhở rằng anh là đồ bỏ, thế nên gần đây bố mẹ càng nhìn anh càng thấy gai mắt.
Ví như bây giờ, chẳng lẽ anh không biết mình chưa làm bài tập Toán sao? Anh không làm bài tập, chẳng lẽ vì quên à? Lâm Kiêu hơi châm chước, sau đó đáp lại một câu không tính là quá công kích: “Câm miệng, ăn cơm đi.”
Kinh Trập tỏ vẻ khó xử, tốc độ nhai nuốt cũng chậm hơn, giống như đang đấu tranh.
Lâm Kiêu: “Không được mách lẻo.”
Lần này Kinh Trập ăn nhanh hơn.
“Điểm Toán của anh thật sự không tốt lắm.” Ánh mắt cô kèm theo mấy phần thương hại: “Chú Lâm nói nếu kỳ thi tháng này anh lại xếp từ dưới lên thì sẽ trừ tiền tiêu vặt của anh.”
Cô muốn nhắc nhở anh, không làm bài tập thì thành tích sẽ ngày càng kém, môn Toán của anh thật sự quá yếu phần căn bản.
Vừa khai giảng đã phải thi thử, bao năm qua đều không có nên chẳng ai chuẩn bị. Thi tuyển sinh cấp ba xong, người nào người nấy đều buông thả, đương nhiên thi thử sẽ luống cuống. Trừ bỏ mấy tên biến thái các kiểu, còn lại đều thi nát bét. Bất hạnh làm sao, Lâm Kiêu chính là kẻ thi nát bét đó.
Sau khi Lâm Chính Trạch đón Thẩm Kinh Trập về, vất vả lắm chú ấy mới được ở nhà vài ngày, nhưng chỉ toàn quở trách Lâm Kiêu.
Ngày thường anh không kém như vậy, nhưng cũng chẳng tốt hơn nỗi nào.
Lâm Kiêu im lặng giây lát, cuối cùng không nhịn được nữa mà ngẩng đầu nhìn cô: “Em đến trường mà như vậy sẽ rất dễ ăn đòn đấy có biết không?”
Bởi vì cô chuyển từ tỉnh đến, cuối cùng được phân chung lớp với anh, lớp đứng cuối cùng, tuy tố chất học sinh ở trường trung học phụ thuộc không quá kém, nhưng lớp này là nơi những kẻ có kết quả đếm ngược tụ tập. Trừ ba lớp đầu đặc biệt xuất sắc thì ba lớp còn lại toàn kiểu đếm ngược.
Kinh Trập mở to mắt: “Dạ?”
Lâm Kiêu lười giải thích, chỉ thốt ra một câu: “Không có tiền tiêu vặt, anh bắt em đi hái nấm.”
Miệng anh toàn nói phét mà thái độ cứ như thường, Kinh Trập là người có tính tình tốt nên anh ăn nói với cô chẳng lựa lời, nhưng không ngờ lát sau, người ngồi đối diện ăn cơm với anh đáp lại rằng: “Hái nấm độc cho anh.”
Lâm Kiêu im lặng nhìn cô.
Kinh Trập ngẩng đầu trề môi: “Anh cũng đâu nhận ra.”
… Định mệnh!