Chương trước
Chương sau

Chương 1

Juliet

Người ta bảo tôi đã chết.

Tim tôi đã ngừng đập và tôi không còn thở; trong mắt thiên hạ, tôi thực sự đã chết rồi. Người thì nói tôi chết đã được ba phút, người thì nói bốn phút, còn bản thân tôi bắt đầu nghĩ cái chết hầu như chỉ là vấn đề quan niệm

Là Juliet, tôi cho rằng mình nên nhìn thấy cái chết đang đến rất gần. Nhưng tôi muốn tin rằng lần này nó sẽ lượn quanh, và không gây nên tấm thảm kịch xưa, tràn ngập thảm thương. Lần này, chúng tôi sẽ ở bên nhau mãi mãi, Romeo và tôi, tình yêu của chúng tôi sẽ không bao giờ còn bị trì hoãn vì những thế kỷ đen tối, bị trục xuất và chết chóc.

Nhưng bạn không thể đánh lừa được văn hào SHAKESPEARE. Và thế là tôi đã chết như phải chết, khi những dòng chữ của tôi tuôn trào và rơi trở lại nguồn sáng tạo. Chao ôi, nhà văn may mắn. Giấy đây. Và mực kia, hãy cho phép tôi bắt đầu.

Chao ôi, máu nào vấy bẩn,

Ngưỡng cửa đá nhà mồ thế này

--- --------oOo---- -------

Tôi phải dành thời gian để hình dung nên bắt đầu từ đâu. Bạn có thể cãi rằng câu chuyện của tôi bắt đầu từ hơn sáu trăm năm trước, với vụ cưới đường ở thành phố Tuscany thời Trung cổ. Hoặc gần hơn, là cuộc vũ hội và nụ hôn ở lâu đài Salimbeni, nơi cha mẹ tôi gặp nhau lần đầu tiên. Nhưng tôi sẽ không bao giờ biết gì về những chuyện này, nếu không có một sự kiện làm thay đổi cả cuộc đời tôi trong chớp mắt, và buộc tôi phải đến Italy tìm về quá khứ. Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi bà bác Rose của tôi qua đời.

Umberto mất ba ngày trời mới tìm ra tôi để báo tin buồn. Xét về niềm đam mê nghệ thuật đang lụi dần của mình, tôi kinh ngạc khi thấy ông tìm được tôi. Nhưng Umberto luôn có một khả năng phi thường là đọc được ý nghĩ và đoán trước được hành động của tôi; ngoài ra, ở Virginiea không có nhiều trại hè Shakespeare.

Tôi không biết ông đã đứng tận cuối phòng xem diễn kịch trong bao lâu. Bởi vì như thường lệ, tôi luôn ở trong hậu trường, quá mê mải với lời thoại và trang phục của các cô cậu choai choai nên chẳng chú ý gì đến xung quanh, cho đén khi hạ màn. Sau buổi tổng duyệt chiều hôm đó, có người để lọ độc dược sai chỗ, và không có thứ tốt hơn, nên Romeo đành phải tự tử bằng cách ăn Tic Tac.

- Nhưng nó làm em bị ợ nóng! – Cậu bé phàn nàn với vẻ lo lắng, lời tố cáo của một đứa trẻ mười bốn tuổi.

- Không sao! - Tôi nói và cố cưỡng lại thôi thúc của người mẹ muốn chỉnh cái mũ nhung trên đầu cậu. – Điều đó sẽ giúp em nhập vai.

Chỉ sau đó, khi các ngọn đèn bật sáng, bọn trẻ kéo tôi lên sân khấu rồi cảm ơn tới tấp, tôi mới chú ý tới một dáng người to lớn gần lối ra, đứng nhìn tôi qua tiếng vỗ tay tán thưởng. Nghiêm trang như pho tượng trong bộ comple và cà vạt đen, Umberto, nổi bật như một cây sậy lẻ loi văn minh trong đầm lầy nguyên thủy. Ông lúc nào cũng thế. Trong chừng mực tôi nhớ, ông chưa bao giờ mặc sơ mi trần vì không coi đó là thường phục. Với Umberto, quần sooc kaki và sơ mi đánh gôn là quần áo của loại đàn ông mất nết, thậm chí đáng xấu hổ. Sau đó khi tràng pháo tay xúc động của các bậc cha mẹ giảm dần, tôi đang định rời sân khấu thì người tổ chức chương trình ngăn lại, nắm vai tôi và nồng nhiệt lắc mạnh; ông biết tôi quá rõ nên không dám ôm chặt.

- Cô làm việc với đám thiếu niên cừ lắm, Juliet! – Ông ấy nói một thôi một hồi. – Hè tới, tôi có thể nhờ cậy cô lần nữa được ko?

- Nhất định rồi, - tôi nói dối và bước đi. – Tôi sẽ ở quanh đây mà.

Lúc đến gần Umberto, tôi thấy chút ít niềm vui trong khóe mắt ông như mỗi khi gặp lại tôi sau một thời gian xa cách. Nhưng ông không cười, thậm chí không phảng phất bóng dáng của nụ cười và lúc này tôi hiểu vì sao ông tới tìm mình. Lẳng lặng bước vào vòng tay ông, tôi ước mình có khả năng lộn ngược thực tại như một chiếc đồng hồ cát và cuộc sống ko phải là thứ có hạn, mà là sự tuần hoàn vĩnh viễn qua một cái lỗ nhỏ.

- Đừng khóc, công chúa, - ông nói vào tóc tôi, - cô vốn ko thích khóc lóc mà. Tất cả chúng ta đều ko thể sống mãi. Bà ấy đã tám mươi hai tuổi.

- Cháu biết. Nhưng…- Tôi lùi lại và lau mắt. – Janice có đấy ko ạ?

Mắt Umberto nheo lại như mỗi khi nhắc tới cô em gái sinh đôi của tôi. Chỉ lúc đó, ở cự ly rất gần, tôi mới thấy trông ông thâm tím và chua xót, dường như mấy đêm gần đây ông phải uống rượu mới ngủ được. Nhưng có khi đấy là lẽ thường tình. Không có bà bác Rose, Umberto sẽ ra sao đây? Trong chừng mực tôi nhớ, hai người đã ràng buộc với nhau trong mối quan hệ cộng tác tất yếu của tiền bạc và cơ bắp – bà đóng vai người đẹp kiêu kỳ, còn ông là người quản gia nhẫn nại – và bất chấp sự khác biệt, rõ ràng là người nọ ko muốn sống thiếu người kia.

Chiếc Lincoln thận trọng đỗ vào một chỗ khuất trong sân, nên không ai nhìn thấy Umberto đặt chiếc ba lô cũ của tôi vào thùng xe trước khi mở cửa sau cho tôi bằng kiểu cách rất chừng mực.

- Cháu muốn ngồi ghế trước. Được không ạ?

Ông lắc đầu tỏ ý ko tán thành và mở cửa sau

- Tôi biết rồi mọi sự sắp bung ra.

Nhưng tôi chưa bao giờ thấy bà Rose câu nệ nghi thức. Dù Umberto là người làm thuê, bà vẫn luôn đối xử với ông như người nhà. Tuy nhiên, hành động thiện ý ấy ko bao giờ được đáp lại. Bất cứ khi nào bà Rose mời Umberto ngồi vào bàn ăn cùng chúng tôi, ông chỉ nhìn bà với vẻ tự chủ đến ngạc nhiên, dường như ông thấy lạ lùng bởi bà cứ mời, vì thế ông tìm mọi cách để từ chối. Ông thường ăn trong bếp và sẽ cứ thế, dù bà Rose có viện đến tên Đức Chúa Jesu – nói bằng giọng gần như bực tức – để thuyết phục ông cùng ngồi với chúng tôi, ngay cả trong dịp Lễ tạ ơn.

Bà Rose thường phàn nàn về sự kỳ quặc của Umberto như một kiểu của Âu châu và diễn thuyết một cách trôi chảy về sự chuyên chế, tự do và độc lập, rồi chĩa cái dĩa vào chúng tôi và thở phì phì:

- Chính vì thế chúng ta sẽ ko đi châu Âu và các kỳ nghỉ. Nhất là đi Italy. Hết chuyện.

Về phần tôi, tôi khá tin rằng Umberto thích ăn một mình chỉ vì ông coi những thứ gần gũi với ông hơn hẳn các món chúng tôi đưa mời. Ông ngồi đó, thanh thản trong bếp, với vở opera của ông, rượu vang của ông và món pho mát Pacma ngon tuyệt của ông, trong lúc chúng tôi – bà Rose, tôi và Janice – cãi nhau về những chuyện vặt vãnh và run rẩy trong phòng ăn lộng gió và lạnh lẽo. Nếu được lựa chọn, tôi cũng sẽ ngày ngày sống trong bếp.

Đêm hôm ấy, lúc xe chúng tôi xuyên qua thung lung Shenedoah tối tăm, Umberto đã kể cho tôi nghe về những giờ phút cuối cùng của bà Rose. Bà qua đời rất bình yên, trong giấc ngủ, sau một tối nghe những bài ca của Fred Astaire mà bà ưa thích, đĩa hát tanh tách chạy hết bài này đến bài khác. Khi giai điệu cuối cùng của bài hát cuối cùng kết thúc, bà đứng dậy và mở cánh cửa kiểu Pháp trông ra vườn, có lẽ là muốn hít thở mùi kim ngân thêm lần nữa. Umberto kể, lúc bà đứng đó, mắt nhắm lại, tấm rèm đăng ten dài dập dờn quanh thân hình mảnh dẻ của bà không một tiếng động, dường như bà là một bóng ma.

- Ta làm việc ấy có đúng ko nhỉ? – bà hỏi khẽ

- Tất nhiên là bà đúng, - ông trả lời khéo léo.

Nửa đêm, xe chúng tôi lăn bánh vào đường nhà bà Rose. Umberto báo trước với tôi rằng Janice đã từ Florida trở về chiều hôm ấy mang theo một máy tính và chai chamgage. Tuy nhiên điều đó không giải thích được lý do vì sao chiếc ô tô thứ hai đỗ ngay trước lối vào.

- Cháu mong rằng, - tôi nói và lấy ba lô trong cốp xe trước khi Umberto kịp làm, - đấy không phải là nhân viên tang lễ.

Vừa nói xong, tôi đã nhăn mặt vì nhận ra sự khiếm nhã của mình. Cách nói năng đó trái với thói quen của tôi, và chỉ xảy ra mỗi khi tôi nói chuyện với em gái tôi.

Liếc nhìn cái xe bí ẩn, Umberto sửa lại áo khoác theo kiểu người ta chỉnh lại áo chống đạn trước khi lâm trận.

- Tôi e rằng có nhiều loại lo liệu đám ma.

Vừa bước qua cửa trước của ngôi nhà, tôi đã nhìn thấy thứ ông ám chỉ. Các bức chân dung cỡ lớn trong hành lang đã được tháo xuống và lúc này đang dựng áp lưng vào tường như các tội nhân trước tiểu đội hành quyết. Bình hoa Venetian hay để trên chiếc bàn tròn dưới ngọn chúc đài đã biến mất.

- Xin chào,- tôi hét to, cảm thấy cơn thịnh nộ đã lâu không thấy kể từ cuộc viếng thăm cuối cùng. – Có ai còn sống ko đây?

Tiếng tôi vang vang trong ngôi nhà vắng lặng, nhưng ngay khi tiếng ồn đó giảm xuống, tôi nghe thấy tiếng chân chạy trong hành lang trên gác. Janice vội vã xuất hiện với vẻ có tội nhưng vẫn cố tỏ ra khoan thai như thường lệ trên cầu thang rộng với bộ váy áo mùa hè mỏng manh, tôn những đường xong duyên dáng và sẽ còn đẹp hơn nhiều nếu nó chẳng mặc gì. Janice tạm dừng bước và hất mớ tóc đen dài ra sau với vẻ tự mãn chậm rãi rồi ném cho tôi một nụ cười khinh khỉnh trước khi bước xuống bậc.

- Lạ chưa kìa,- nó nhận xét, giọng lạnh lẽo đến ngọt ngào, - Thánh nữ Đồng trinh giáng trần.

Chỉ đến lúc đo, tôi mới nhận ra người đàn ông-một -tuần ngay đằng sau nó, một kẻ tóc tai bù xù, mắt đỏ ngầu như bất cứ ai sau một thời gian sống riêng với em gái tôi.

- Xin lỗi vì làm cô thất vọng,- tôi nói và buông cái ba lô đánh thịch lên sàn. – Tôi có thể giúp cô tước đoạt các thứ quý giá của ngôi nhà, hay cô thích làm một mình hơn?

Tiếng cười của Janice giống chùm chuông gió xinh xắn trên hành lang nhà hàng xóm chọc tôi tức đến phát khùng.

- Đây là Archie, - nó thông báo với tôi bằng giọng con buôn một cách rất tự nhiên, - anh ấy muốn trả chúng ta hai mươi ngàn đô la cho tất cả mớ đồ tạp nham này.

Tôi nhìn cả hai bằng ánh mắt đấy căm phẫn trong lúc họ tiến đến chỗ tôi

- Anh ấy thật hào phóng. Rõ ràng là anh ta mê những thứ rác rưởi.

Janice ném vào tôi một cái nhìn trừng trừng băng giá, nhưng rồi nó đã nhanh chóng kìm lại. Nó thừa biết rằng tôi không hề mảy may quan tâm đến ý kiến đánh giá của nó, và sự tức tối đó chỉ càng khiến thôi thêm thích thú.

Tôi chào đời trước nó bốn phút. Dù nó có nói gì, làm gì cũng chẳng sao, tôi vẫn già hơn nó bốn phút. Dẫu Janice luôn nghĩ nó là con thỏ rừng chạy với tốc độ siêu thanh còn tôi là con rùa chậm chạp lê từng bước, cả hai chúng tôi đều biết nó có thể vênh váo chạy nhiều vòng quanh tôi như nó muốn, nhưng nó sẽ không bao giờ thực sự bắt kịp và xóa bỏ được sự cách biệt tí ti giữa chúng tôi.

- Ờ, - Archie nói, nhìn ra cánh cửa đã mở, - tôi sắp đi đây. Rất vui được gặp cô, Julie, mà cô là Julie phải không? Jaice đã kể cho rôi nghe mọi chuyện về cô. – Gã cười lo lắng. – Cố giữ cho sự việc yên ổn nhá! Như người ta nói, hòa giải không yêu thương ấy mà.

Janice vẫy tay duyên dáng lúc Archie bước đi rồi sập cánh cửa lại sau lung gã. Nhưng ngay khi gã vừa ra khỏi tầm nghe, bộ mặt thiên thần của nó liền biến thành ác quỷ, như một bức ảnh Halloween ba chiều.

- Đừng có trơ tráo nhìn tôi như thế, - Nó nhạo báng. – Tôi đang cố kiếm ít tiền cho chúng ta. Có vẻ như hiện giờ chị cũng ko kiếm được mấy, phải ko?

- Nhưng tao ko có kiểu…tiêu pha như mày. – Tôi hất đầu về phía những thứ mới nhất vừa được nâng cấp, hiển hiện rõ ràng dưới lớp váy áo bó sát của nó. – Kể cho tao biết đi Janice, họ làm thế nào mà có đủ các thứ ở chỗ kia vậy? Qua rốn chắc?

- Kể cho tôi đi Julie, - Janice nhại. – Cảm thấy ra sao khi chẳng có thứ gì ở chỗ đó nhỉ? Chưa từng có!

- Xin các cô thứ lỗi, - Umberto nói và lễ độ bước vào giữa chúng tôi như ông đã làm nhiều lần trước đây, - nhưng tôi có thể gợi ý rằng chúng ta nên chuyển cuộc tranh luận này sang phòng đọc sách được không?

Khi chúng tôi bắt kịp Janice, nó đã cuộn tròn trong chiếc ghế bành mà bà Rose ưa thích, một chai gin và tonic đặt trên tấm nệm có hình một cuộc săn cáo mà tôi đã thêu kiểu chữ thập trong năm cuối ở trường trung học, trong khi em gái tôi lượn lờ tìm con mồi đích thực.

- Cái gì?- Nó nhìn chúng tôi tỏ rõ vẻ căm ghét. – Các người ko nghĩ bà ấy để lại cho tôi nửa chỗ rượu ấy sao?

Đó là chỗ vang nho mà Janice đã tranh giành bằng được với người đã khuất, và tôi quay lưng bước thẳng đến cánh cửa kiểu Pháp.

Ngoài hành lang, những cái bình sành yêu quý của bà bác Rose đứng như một hàng người đi đưa ma, đầu các bông hoa gục xuống nom thật khó có thể an ủi. Một cảnh tượng khác thường. Umberto luôn chăm sóc khu vườn đâu vào đấy, nhưng có lẽ ông không còn thích thú gì công việc này khi chủ nhân cũng là người ưa thưởng ngoạn của ông không còn nữa.

- Tôi lấy làm lạ, - Janice vừa nói vừa xoay tròn cốc rượu, - vì ông vẫn còn ở đây, Birdie. Nếu tôi là ông, lúc này tôi đã ở Vegas rồi. Với những đồ bằng bạc.

Umberto không đáp. Ông đã không nói chuyện trực tiếp với Janice từ nhiều năm nay. Thay vào đó, ông nhìn tôi.

- Ngày mai sẽ tổ chức lễ tang.

- Tôi ko thể tin được, - Janice nói, một chân vắt vẻo trên tay ghế. – Ông đã trù tính mọi việc mà không thèm hỏi chúng tôi.

- Đó là điều bà ấy muốn.

- Chúng tôi có được nghe thêm gì nữa không đây? – Janice vùng khỏi ghế và vuốt phẳng tà váy. Chắc chúng tôi sắp được chia phần mọi thứ chứ? Bà ấy chẳng thích thú quái gì với những quỹ tài trợ kỳ quặc này nọ, đúng không nào?

- Mày nghĩ thế sao?- Tôi càu nhàu, và trong giây lát, Janice như đã kiềm chế lại. Rồi nó nhún vai như thường làm, và lại với lấy chai rượu gin. Tôi không buồn nhìn lúc nó giả vờ vụng về, nhếch đôi lông mày tỉa tót hoàn hảo lên tỏ vẻ ngạc nhiên để chúng tôi biết rằng chắc chắn nó không có ý định rót quá nhiều. Mặt trời đang từ từ tan chảy ở đường chân trời, còn Janice chẳng mấy chốc sẽ chìm vào lòng ghế, để những câu hỏi lớn của cuộc đời cho người khác trả lời, miễn là họ vẫn đem rượu tới.

Trong trí nhớ của tôi, Janice vốn vẫn như thế, tham lam vô độ. Hồi chúng tôi còn bé, bà Rose thường cười to vui vẻ và nói: “cái con bé này có thể ăn hết cả hộp bánh gừng”, như thể tính háu ăn của Janice là điều đáng tự hào như vậy. Nhưng hòi đó, bà Rose là trùm và chẳng có gì phải sợ, không như tôi. Từ khi tôi nhớ được mọi chuyện xảy ra xung quanh, dù tôi giấu kẹo kín đến đâu, Janice cũng vẫn đánh hơi được, và vào các buổi sáng Phục sinh, gia đình chúng tôi đều trong bầu không khí bực mình, hung bạo và chẳng ra sao. Bầu không khí ấy lên đến cực điểm khi Umberto trừng phạt Janice vì tội ăn cắp trứng Phục sinh của tôi, còn Janice, răng dính đầy sô cô la và rít lên dưới gầm giường rằng ông không phải là bố nó và không có quyền bắt nó phải làm gì. Thật tồi tệ vì nó chẳng thèm xem lại bản thân mình. Vẻ ngoài cứng cỏi khiến nó không bị lộ bí mật; da nó mềm mịn như lớp kem mượt trên chiếc bánh cưới, nét mặt thanh tú như cái bánh hạnh nhân xinh xắn, như hoa, quả trong tay người thợ làm bánh bậc thầy. Không rượu gin, cà phê, ngượng ngùng hoặc sự ân hận nào có thể bẻ gẫy vẻ ngoài dịu ngọt của nó, dường như trong con người nó tồn tại nét thanh xuân vĩnh viễn, dường như mỗi buổi sáng, nó càng tươi tắn, trẻ lại nhờ nguồn sống bất diệt, không già đi lấy một ngày, không nặng hơn một gam, và vẫn thèm khát cuộc sống trần tục.

Không may, chúng tôi không phải là chị em song sinh giống hệt nhau. Một lần trong sân trường, tôi nghe lỏm có người gọi tôi là “Chúa Hài đồng đi cà kheo”, và tuy Umberto cười to, bảo rằng đó là lời khen, song hình như ko phải thế, Ngay cả khi tôi đã qua cái tuổi vụng về nhất, tôi biết khi đứng cạnh Janice, trông tôi vẫn gầy gò, cao lêu nghêu và xanh xao; dù chúng tôi đi đâu hoặc làm gì, nó vẫn quyến rũ và tràn đầy sức sống, còn tôi thì mờ nhạt và rụt rè. Mỗi khi chúng tôi cùng bước vào một gian phòng nào đó, ngay lập tức mọi sự chú ý đều đổ dồn vào em gái tôi dù tôi đứng ngay cạnh nó, tôi vẫn chỉ là một người nữa. Song thời gian trôi qua, tôi đã trưởng thành hơn, tôi không bao giờ phải lo nói hết câu, vì chắc chắn Janice sẽ nói hộ tôi. Trong một vài dịp hiếm hoi, khi có người hỏi về những hy vọng và ước mơ của tôi – thường là lúc uống trà với một trong những người hàng xóm của bà Rose, - Janice sẽ kéo tôi đến bên chiếc dương cầm, nó sẽ ngồi dạo đàn còn tôi chỉ ngồi cạnh giở các trang nhạc cho nó. Ngay cả bây giờ, đã hai mươi lăm tuổi, tôi vẫn lúng túng và khó khăn khi chuyện trò với người lạ, mong được ngắt lời trước khi tôi nói hớ điều gì.

Chúng tôi chôn cất bà Rose trong màn mưa tầm tã. Lúc đứng bên mộ bà, những giọt mưa nặng hạt rơi từ tóc xuống, hòa lẫn với nước mắt giàn giụa trên má tôi; những chiếc khăn giấy tôi mang theo từ nhà đã biến thành hồ đặc sệt trong túi áo.

Dù đã khóc suốt đêm, tôi vẫn không sẵn sàng cho giờ phút đau lòng cuối cùng,lúc cỗ quan tài đung đưa, hạ dần vào lòng đất. Chiếc quan tài quá lớn so với một người tầm vóc mảnh khảnh như bà Rose…Lúc này tôi chợt ân hận vì đã không đòi nhìn thi hài lần cuối, dẫu điều đó chẳng làm cho bà sống lại. Hay là có nhỉ? Biết đâu bà đang quan sát chúng tôi từ một nơi nào đó xa vời vợi, mong chúng tôi biết bà đã đến nơi an toàn. Một ý nghĩ an ủi, một sự xao lãng tự nhiên khỏi thực tế, và tôi ước gì có thể tin được điều đó.

Người duy nhất trông không giống một con chuột ướt sũng cho đến cuối tang lễ là Janice, nó đi đôi ủng nhựa, gót cao 12cm và đội chiếc mũ đen có đủ thứ trang trí chẳng phải đồ tang. Ngược lại, tôi vận bộ mà Umberto đã gán cho là quần áo của bà xơ; nếu ủng và đường viền cổ áo của Janice nói lên rằng hãy đến đây, thì ngược lại, đôi giầy thiết kế vụng về và bộ đồ kín đáo của tôi chắc chắn muốn nói rằng hãy xéo đi

Một nhúm người xuất hiện bên mộ, nhưng chỉ có ông Gallagher, luật sư của gia đình tôi là nán lại nói chuyện. Cả Janice lẫn tôi đều chưa gặp ông bao giờ, nhưng bà Rose hay nhắc tới ông một cách trìu mến đến nỗi chắc ông là người duy nhất thất vọng.

- Theo tôi biết, cô là người theo chủ nghĩa hòa bình? - Ông nói với tôi lúc chúng tôi cùng đi khỏi nghĩa trang.

- Julie thích đánh nhau lắm, - Janice nhận xét, nó vui vẻ đi xen vào giữa, chẳng để ý đến vành mũ của mình đang như cái phễu rót nước vào cả hai chúng tôi, - và ném đồ đạc vào người ta. Ông chưa nghe kể chị ấy đã làm gì với nàng tiên cá à?

- Đủ rồi đấy, - tôi nói, cố tìm một chỗ khô ráo trên tay áo để lau mắt lần cuối.

- Ồ, đừng khiêm tốn thế! Chị đã từng lên trang bìa đấy!

- Tôi nghe nói công việc của cô tiến triển rất tốt đẹp? – Ông Gallagher nhìn Janice, cố nở nụ cười. - Làm mọi người vui chắc phải là một thử thách?

- Vui ư? Chà!- Janice bước tránh, suýt dẫm vào một vũng nước. - Niềm vui là mối đe dọa tồi tệ nhất cho công việc của tôi. Giấc mơ là thứ ai cũng có. Cả thất vọng nữa. Nhưng những ước mơ chẳng bao giờ thành hiện thực. Những người đàn ông như thế không tồn tại. Ông sẽ chẳng bao giờ có được người đàn bà đích thực của mình. Vì đấy là nơi chỉ để tiêu tiền, hẹn hò hết cuộc này đến cuộc khác….

Janice vẫn nói, nhưng tôi không còn thiết lắng nghe nữa. Một trong những điều trớ trêu lớn nhất trên đời là em gái tôi hành nghề mai mối, vì chắc chắn nó là người ít lãng mạn nhất mà tôi từng biết. Mặc dù nó thích tán tỉnh tất cả đàn ông, song nó coi đàn ông còn tầm thường hơn cả các công cụ chạy điện, lúc cần thì cắm vào và lúc xong thì nhỏ ra ngay tắp lự. Cũng lạ là từ khi chúng tôi còn bé, Janice đã thích thu xếp mọi thứ thành đôi, hai con gấu bông, hai cái đệm, hai cái lược…thậm chí trong những ngày hai đứa đánh nhau, nó vẫn đặt hai con búp bê cạnh nhau trên giá qua đêm, thỉnh thoảng còn xếp cánh tay của chúng ôm lấy nhau. Về mặt đó, có lẽ không có gì là lạ khi nó chọn nghề mai mối và sắp xếp con người ta thành đôi như một Noah chính cống. Chỉ có điều, không như một tộc trưởng già lão, từ lâu nó đã quên vì sao nó làm việc đó. Khó mà nói gì khi sự vật đã thay đổi, Hồi còn học trung học, có lúc nó đã thực hiện sứ mệnh làm tôi thật sự vỡ mộng về tình yêu. Điểm qua các bạn trai như xem một loạt quần bò giảm giá, Janice có cái thú đặc biệt khiến tôi e ngại là miêu tả mọi người, mọi vật bằng cái kiểu nói lóng sống sượng khiến tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao đàn bà lại phải kết hợp với đàn ông.

- Thế, - nó vừa nói vừa cuộn những cái lô màu hồng vào tóc tôi trong một buổi tối, trước buổi vũ hội, - đây là cơ hội cuối cùng của chị đấy.

Tôi nhìn Janice trong gương, hoang mang vì tối hậu thư của nó nhưng không thể trả lời vì lớp mặt nạ màu xanh bạc hà đã khô cứng trên mặt.

- Chị biết không,- nó nhăn mặt sốt ruột, - cơ hội cuối cùng để chị tạm biệt đời thiếu nữ đấy. Đấy là phần chủ yếu của buổi vũ hội. Chị có biết tại sao các anh chàng lại diện ngất không? Vì họ thích khiêu vũ ư? Nhảm nhí! – Nó liếc nhìn tôi trong gương, kiểm tra công việc của nó. –Nếu chị không làm thế trong buổi vũ hội, thì chị sẽ thấy bọn chúng nói gì. Chị là người đoan trang, Nhưng chẳng có anh chàng nào thích phụ nữ như thế đâu.

Sáng hôm sau, tôi than phiền bị đau dạ dày, và buổi vũ hội càng đến gần, tôi càng đau dữ dội hơn. Rốt cuộc, bà Rose phải gọi điện cho hàng xóm và báo với họ rằng tốt hơn hết, con trai họ nên tự tìm một bạn nhảy khác. Trong lúc đó, Janice đã được một vận động viên tên là Troy đón, nó biến mất giữa đám khói bụi mù mịt của lốp xe. Sauk hi nghe tôi rên rỉ suốt buổi chiều, bà Rose một mực ắt tôi phải đến phòng cấp cứu, sợ bị viêm ruột thừa, nhưng Umberto đã làm bà đỡ lo và nói rằng tôi không bị sốt, nên chắc là không có gì nghiêm trọng.

Tối hôm đó, lúc ông đứng cạnh giường, nhìn tôi thò đầu ra khỏi chăn, tôi có thể thấy ông biết đích xác việc gì đang xảy ra, và lạ thay, ông hài lòng với mưu đồ của tôi. Cả hai chúng tôi đều hiểu rằng, con trai nhà hàng xóm chẳng có gì không tốt, chẳng qua không phù hợp với những tiêu chuẩn về đàn ông mà tôi mường tượng sẽ là người yêu tôi mà thôi. Nếu tôi không thể làm điều mình muốn, thà bỏ lỡ buổi vũ hội còn hơn.

- Dick này, - Janice nói và an ủi ông Gallagher bằng nụ cười ngọt ngào,- tại sao chúng ta không cắt bớt những thủ tục rườm ra đi? Bao nhiêu nào?

Tôi chẳng buồn xen vào. Rốt cuộc, sau khi Janice kiếm được tiền, nó sẽ ngừng ngay cuộc săn tìm liên miên những người có vị trí ngon lành, và tôi sẽ không bao giờ phải để mắt đến nó nữa.

- Tôi e rằng toàn bộ tài sản gần như là cơ ngơi này, -ông Gallagher nói và ngượng nghịu đứng lại trong bãi để xe, ngay cạnh Umberto và chiếc Lincoln.

- Này, - Janice nói, - tất cả chúng tôi đều biết đây là cuộc chia đều cho đến đồng xu cuối cùng, vậy xin hãy miễn cái chuyện tào lao này đi. Bà ấy muốn chúng tôi vạch một đường trắng tinh ở giữa ngôi nhà ư? Để cho công bằng, có thể chúng tôi sẽ làm như thế. Hay là…- nó nhún vai như thể với nó, đằng nào cũng thế, đơn giản nhất là chúng tôi bán quách nó đi rồi chia tiền. Bao nhiêu nhỉ?

- Thực tế là đến lúc cuối cùng, -ông Gallagher nhìn tôi với vẻ ân hận, - bà Jacobs đã thay đổi ý kiến và quyết định để lại toàn bộ tài sản cho cô Janice

- Gì kia?- Tôi nhìn một lượt từ Janice sang ông Gallagher rồi đến Umberto, nhưng không tìm thấy sự ủng hộ nào.

- Khiếp! - Janice cười toe toét, mặt sáng bừng. - Bà già hài hước thật!

- Tất nhiên là, -Ông Gallagher nói tiếp, giọng nghiêm trang hơn, - có một khoản dành riêng cho ông…ông Umberto và có nhắc tới những bức ảnh đóng khung nào đó mà bà bác các cô muốn cô Julie nhận.

- Ơ này, - Janice nói, dang rộng cánh tay, - tôi đang cảm nhận sự hào phóng đây.

- Gượm đã, -tôi lùi lại một bước, cố xử lý thông tin, - Chuyện này hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Trong chừng mực tôi nhớ được, bà Rose là người đã trải qua mọi nỗi thăng trầm, nhưng vẫn đối xử với chúng tôi rất công bằng. Trời đất ơi, tôi đã từng bắt gặp bà đếm số quả hồ đào trong bữa điểm tâm của chúng tôi, để biết chắc không đứa nào được hơn đứa nào. Bà thường nói đến ngôi nhà như một thứ chúng tôi sẽ cùng sở hữu ở một thời điểm nào đó trong tương lai.

- Các cháu là con gái, - bà hay bảo, - thực ra cần học cách sống hòa thuận với nhau, bà không sống mãi được. Khi bà mất rồi, các cháu sẽ chung hưởng ngôi nhà này.

- Tôi hiểu nỗi thất vọng của cô, - ông Gallagher nói.

Thất vọng ư? – Tôi cảm thấy muốn túm lấy cổ áo ông ta, nhưng thay vào đó, tôi thọc tay vào túi, sâu hết mức có thể.

- Đừng nghĩ là tôi chịu để yên chuyện này. Tôi muốn nhìn thấy bản di chúc. – Nhìn chằm chằm thẳng vào mắt ông ta, tôi thấy ông lộ rõ vẻ lúng túng. – Có chuyện gì đó đang diễn ra sau lưng tôi…

- Chị luôn là người thua đau, - Janice xen vào, nhấm nháp cơn thịnh nộ của tôi bằng nụ cười nham hiểm, - và đấy là việc đang diễn ra.

- Đây, - ông Gallgher mở cặp lách cách bằng đôi tay run run và đưa cho tôi một tập hồ sơ. – Đây là bản sao di chúc. Tôi e rằng không có nhiều chỗ để bàn cãi.

Umberto tìm thấy tôi trong vườn, khom minh trong vòm mát dưới giàn cây mà ông làm cho chúng tôi khi bà Rose phải nằm bẹp vì viêm phổi. Ngồi xuống cạnh tôi trên chếc ghế dài chưa khô, ông không bình luận gì về hành động biến mất như trẻ con của tôi mà chỉ đưa cho tôi chiếc khăn mùi soa đã được là phẳng phiu và quan sát tôi hỉ mũi.

- Đây không phải vì chuyện tiền nong, - tôi nói có ý tự bào chữa cho hành động của mình. – Bác có thấy nụ cười tự mãn của nó không? Bác có nghe nó nói gì không? Nó chẳng quan tâm gì đến bà Rose. Nó chẳng bao giờ quan tâm đến bà ấy. Chuyện này thật không công bằng!

- Ai bảo cô là cuộc đời công bằng? – Umberto nhìn tôi lông mày nhếch lên. – Không phải tôi đâu nhé.

- Cháu biết! Cháu chỉ thắc mắc vậy thôi, nhưng đây là lỗi của cháu. Cháu luôn nghĩ bà ấy rất nghiêm khắc trong việc đối xử công bằng với bọn cháu. Cháu đã vay tiền…- Rồi ôm mặt để tránh cái nhìn chằm chằm của ông. – Bác đừng nói gì về chuyện này!

- Cô đã trả xong chưa?

Tôi lắc đầu

- Bác thử nghĩ xem, làm thế nào cháu trả hết được chứ?

- Không sao. – Ông mở túi áo khoác và rút ra một cái phong bì khổ, mỏng bằng giấy tơ chuối. – Vì bà ấy muốn cô có thứ này. Đây là một bí mật lớn. Gallagher ko biết. Janice cũng ko biết. Nó chỉ dành cho mình cô thôi.

Ngay lập tức, tôi đâm nghi. Cho tôi một thứ sau lưng Janice là hành động không giống bà Rose tí nào, cũng giống như việc bà gạt tôi ra khỏi bản di chúc. Rõ ràng là tôi không hiểu bác gái của mẹ tôi như tôi hằng nghĩ, cũng như cho đến lúc này, tôi vẫn ko hiểu hết được bản thân mình. Tưởng chừng tôi có thể ngồi đây – hôm nay và mọi ngày – rồi khóc lóc vì tiền. Khi nhận nuôi chúng tôi, bà đã xấp xỉ lục tuần, và với chị em tôi, bà Rose như một người mẹ, lẽ ra tôi nên xấu hổ vì muốn nhận được nhiều hơn từ bà.

Cuối cùng, tôi mở phong bì, té ra bên trong đựng ba thứ: một bức thư, một tấm hộ chiếu và một chiếc chìa khóa.

- Đây là hộ chiếu của cháu! – tôi kêu lên, - Sao bà ấy….? Tôi nhìn vào trang dán ảnh lần nữa. Đúng là ảnh tôi, ngày sinh của tôi, nhưng tên thì ko phải tên tôi. – Giulietta ư? Giulietta Tolomei?

-Đây là tên thật của cô. Bà Rose đã đổi tên cho cô khi mang cô từ Italy về đây. Bà cũng đổi cả tên cho Janice

Tôi sững sờ:

- Nhưng tại sao?...Bác biết từ bao giờ?

Ông nhìn xuống:

- Sao cô ko đọc thư?

Tô mở hai tờ giấy ra:

- Bác viết à?

- Bà ấy đọc cho tôi viết, - Umberto mỉm cười buồn bã. – Bà ấy muốn biết chắc là cô sẽ đọc

Thư viết

Julie yêu quý nhất của bà,

Bà nhờ Umberto đưa cho cháu lá thư này sau khi bà qua đời, vì bà tin rằng bà sắp chết. Dù sao, bà biết cháu vẫn giận bà vì không chịu đưa các cháu về Italy, nhưng hãy tin rằng bà làm thế chỉ muốn tốt cho các cháu. Làm sao bà có thể tha thứ cho mìh nếu có chuyện không hay xảy ra với các cháu? Nhưng bây giờ cháu đã lớn khôn hơn. Có một thứ mẹ cháu để lại cho cháu ở đấy, Siena. Cho một mình cháu. Bà không biết vì sao, nhưng Diane chỉ dành riêng cho cháu, cầu Chúa phù hộ cho linh hồn mẹ cháu. Mẹ cháu đã tìm ra thứ gì đó, và cho là nó vẫn còn ở đó. Nghe chừng nó giá trị hơn mọi thứ ta sở hữu rất nhiều. Chính vì thế ta quyết định làm việc này, cho Janice toàn bộ ngôi nhà. Bà hy vọng chúng ta có thể ngăn ngừa được mọi chuyện và quên hẳn Italy, nhưng giờ đây bà bắt đầu nghĩ mình sẽ sai lầm nếu không bao giờ kể với cháu. Đây là việc cháu phải làm. Hãy cầm lấy chiếc chìa khóa và đến nhà băng trong lâu đài Tolomey ở Siena. Bà nghĩ đây là chìa khóa két an toàn. Mẹ cháu để chiếc chìa khóa này trong ví khi mất. Mẹ cháu có một cố vấn tài chính ở đó, tên ông ta là Francesco Maconi. Hay tìm gặp và nói với ông ấy rằng cháu là con gái của Diane Tolomey. À, còn một việc nữa. Bà đã đổi tên cháu. Tên thật của cháu là Giulietta Tolomei. Nhưng đây là nước Mỹ. Ta cho rằng cái tên Julie Jacobs hợp lý hơn, không người nào có thể đánh vần khác đi được. Cõi trần ai này rồi sẽ đi đến đâu? Không, bà đã có một cuộc sống tốt đẹp. Nhờ có cháu đấy. Chao ôi, còn một việc nữa: Umberto sẽ đưa cho cháu tấm hộ chiếu với tên thật của cháu. Bà không biết cháu sẽ xoay sở ra sao với những thứ này, nhưng đừng lo, chúng ta sẽ để việc đó cho Umberto.

Bà sẽ không nói lời tạm biệt. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Thiên đường, bởi Chúa muốn thế. Nhưng bà muốn biết chắc cháu sẽ lấy được thứ vốn thuộc về cháu. Ở đó, cháu hãy cẩn trọng. Hay lưu ý đến sự việc đã xảy ra với mẹ cháu. Italy có thể là nơi rất kỳ lạ. Lẽ đương nhiên là cụ cố của cháu đã sinh ra ở đây, nhưng bà dặn cháu không được làm ảnh hưởng đến thanh danh của cụ vì chuyện tiền nong trần tục. Nhớ đừng nói với ai điều bà kể cho cháu. Và hãy cố mỉm cười nhiều hơn nhé. Cháu có nụ cười rất đẹp,khi cháu biết sử dụng đúng lúc.

Vô cùng yêu thương và cầu Chúa phù hộ cháu

Bà bác

Bức thư làm tôi mất một lúc mới tĩnh trí lại được, dường như tôi có thể nghe thấy bà Rose đang đọc cho Umberto viết. Đọc xong tôi vẫn cầm chiếc khăn mùi soa của Umberto, ông không muốn lấy lại. Thay vào đó, ông bảo tôi cứ mag nó về Italy để nhớ tới ông khi tôi tìm thấy kho báu khổng lồ của mình.

- Kìa bác! – Tôi hỉ mũi lần cuối. – Cả hai chúng ta đều biết chẳng có kho báu nào ở đấy mà!

Ông nhặt chiếc chìa khóa lên:

- Cô không muốn biết à? Bà bác của cô tin rằng mẹ cô đã tìm thấy một thứ vô cùng giá trị

- Thế sao bà ấy không kể cho cháu sớm hơn? Tại sao phải đợi đến lúc….-Tôi giơ tay lên. – Chuyện này thật vô lý

Umberto liếc nhìn tôi:

-Bà ấy muốn thế. Nhưng cô có bao giờ ở gần đây đâu.

Tôi lau mặt, muốn tránh cái nhìn đăm đăm có ý buộc tội của ông.

-Cứ cho là bà đúng, nhưng biết là cháu không thể trở về Italy. Người ta sẽ nhốt ngay cháu lại. Bác biết đây, họ đã bảo cháu rằng…

Thực ra, họ - cảnh sát Italy – đã nói với tôi những thứ quan trọng hơn điều tôi nói với Umberto nhiều. Nhưng ông ấy biết lý do chính của nó. Ông biết rằng trước đây, tôi từng bị bắt giữ ở Rome trong một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, và trải qua một đêm chẳng lấy gì làm tự hào trong nhà tù địa phương trước khi bị tống khứ khỏi quốc gia này vào lúc tảng sáng, với thông báo không bao giờ được phép quay lại. Ông cũng biết đấy không phải lỗi của tôi. Hồi đó tôi mười tám tuổi và muốn đến Italy, để nhìn thấy nơi tôi chào đời.

Trước cổng trường đại học của tôi có nhiều bảng tin dán những mục quản cáo hoa mỹ về những khóa học tiếng đắt tiền ở Florence. Bất chợt, tôi nhìn thấy một tấm áp phích nhỏ lên án cuộc chiến ở Iraq và các nước khác, chiếm một phần bảng thông báo. Tôi rất hào hứng khi phát hiện ra một trong các đất nước đó là Italy. Phía cuối là danh sách các ngày tháng và điểm đến, tất cả những ai quan tâm đến chính nghĩa đều được chào đón tham gia. Một tuần lễ ở Rome - gồm du lịch – tôi chỉ tốn không quá bốn trăm đô la, đúng với số tiền tôi có trong tài khoản nhà băng. Tôi không biết tiền vé thấp là do chúng tôi không được đảm bảo để ở lại hết tuần, vé máy bay chuyến khứ hồi và tiền trọ đêm cuối, - nếu mọi sự theo đúng kế hoạch – sẽ do nhà cầm quyền Italy, tức những người đóng thuế của Italy lựa chon.

Thế là, dù hiểu rất ít về mục đích của chuyến đi, tôi vẫn lượn lại tấm áp phích vài lần trước khi quyết định ghi tên vào danh sách. Tuy nhiên, đêm hôm ấy, trằn trọc trên giường, tôi biết mình dã làm một việc sai lầm và phải hủy bỏ chuyến đi càng sớm càng tốt. Nhưng sáng hôm sau, khi tôi kể với Janice, nó chỉ tròn mắt nhìn tôi và nói:

- Julie là kẻ nói dối, kẻ chẳng có nhiều thứ trong một cuộc đời, ngoài việc gần như sẽ đến Italy một lần.

Nghe thế, hiển nhiên là tôi phải đi thôi.

Khi những hòn đá đầu tiên bay vào tòa nhà Quốc hội Italy – do hai cậu du khách Sam và Greg ném, - tôi thấy chẳng có gì thích thú nên chỉ muốn trở lại phòng ngủ tập thể và trùm gối lên đầu mà ngủ. Nhưng tôi đã bị kẹt trong đám đông hệt như mọi người, và một khi cảnh sát Rome đã nếm đủ đá và bom tự chế, thì tất cả chúng tôi bị phun hơi cay

Lần đầu tiên trong đời, tôi nghĩ mình có thẻ chết ngay lúc này. Ngã xuống đường và nhìn thấy mọi thứ - những cẳng chân, cánh tay và bãi nôn, - hoang mang vì đau đớn và hoài nghi, tôi quên bẵng mình là ai và không biết đời mình sắp đi đến đâu. Có lẽ giống như những kẻ tử vì đạo thời xa xưa, tôi sẽ đi tìm một nơi khác, một nơi nào đó không có sự sống cũng không có cái chết. Nhưng lúc nỗi đau trở lại, cả sự hoảng sợ nữa, và sau một lát tất cả cảm giác đều ngừng lại như một trải nghiệm tôn giáo.

Nhiều tháng sau, tôi vẫn tự hỏi liệu tôi đã hoàn toàn bình phục sau các sự kiện ở Rome chưa. Mỗi khi buộc phải nghĩ đến điều đó, tôi lại thấy ân hận vì tôi đã quên mất điều cốt yếu tôi là ai, nó đã tràn ra trên lớp nhựa đường Italy và không bao giờ trở lại nữa.

-Lạ thật, - Umberto mở hộ chiếu và xem xét kỹ lưỡng ảnh tôi, - Họ bảo Julie Jacobs không được trở lại Italy. Nhưng còn Giulietta Tolomei thì sao?

Tôi chững lại vì ngạc nhiên. Đây là Umberto, người vẫn mắng tôi ăn mặc hoa hoét như một đứa trẻ lại đang giục tôi phá luật.

-Ý bác là…?

-Cô có nghĩ vì sao tôi làm việc này không? Đây là nguyện vọng cuối cùng của bà bác cô, bà muốn cô đến Italy. Đừng làm tôi đau lòng, công chúa ạ,

Nhìn thấy vẻ chân thành trong mắt ông, một lần nữa tôi cố kìm nước mắt.

Bác nói gì kia? – Tôi nói, giọng cộc cằn,- Sao bác không đi với cháu? Chúng ta có thể cùng tìm ra kho báu. Nếu không tìm được thì cứ mặc xác nó! Chúng ta sẽ trở thành cướp biển. Chúng ta sẽ lùng sục biển khơi…

Umberto đưa tay và chạm rất nhẹ vào má tôi, như thể ông biết rằng, một khi đã đi rồi, tôi sẽ không bao giờ trở lại. Nếu có gặp lại nhau lần nữa, sẽ không giống như thế này, cùng ngồi trong chỗ trú nấp của trẻ con, quay lưng với thế giới bên ngoài.

-Có một số việc, - ông nhẹ nhàng nói, - mà công chúa phải làm một mình. Cô có nhớ chuyện tôi đã kể không…rồi sẽ có ngày cô tìm ra vương quốc của cô.

- Đây chỉ là chuyện kể. Cuộc đời không giống thế đâu.

- Mọi thứ chúng ta nói là lịch sử. Nhưng những điều chúng ta không nói mới thành chuyện.

Tôi vòng cánh tay ông, vẫn chưa sẵn sàng ra đi.

-Còn bác thì sao? Bác không ở lại đây nữa ư?

Umberto ngước nhìn các đồ mộc sũng nước

-Tôi nghĩ Janice nói đúng. Đây là lúc ông già Birdie nghỉ việc. Tôi nên ăn trộm đồ bạc và đến Vegas. Tôi cho rằng điều đó sẽ kéo dài vận may của tôi được một tuần lễ. Khi nào tìm ra kho báu, cô nhớ gọi điện cho tôi nhé.

Tôi tựa đầu vào vai ông:

-Bác sẽ là người đầu tiên được biết.

Rút vũ khí của mi ra đi-

Hai thằng nhà Montague đến kia kìa

--- --------oOo---- -------

Tôi nhớ bà bác Rose đã làm mọi việc để ra sức ngăn cản Janice và tôi đến Italy

-Bà bảo các cháu bao nhiêu lần rồi, - bà thường nói, - đấy không phải là nơi dành cho các cô gái ngoan ngoãn.

Sau này, nhận thấy phải thay đổi chiến lược, mỗi khi có người khơi lại chuyện đó, bà đều lắc đầu và ôm chặt lấy ngực, dường như cứ nghĩ đến Italy là bà mấp mé đến cửa Thần Chết.

-Hãy tin lời bà, - bà thở khò khè, - Italy chỉ là nỗi thất vọng lớn, và đàn ông Italy là những con lợn!

Tôi không bằng lòng với định kiến kôngo sao giải thích nổi của bà vì chống lại đất nước tôi đã ra đời, nhưng sau trải nghiệm ở Rome, tôi ít nhiều đồng ý với bà: Italy quả là nỗi thất vọng, và dân Italy – ít nhất là loại mặc quân phục – khiến những con lợn trông còn tử tế hơn.

Bất cứ khi nào chúng tôi hỏi về cha mẹ cũng vậy, bà Rose đều cắt lời chúng tôi bằng cách kể lể theo kiểu:

-Bà bảo các cháu bao nhiêu lần rồi, - bà cằn nhằn, bực bội vì bị xen ngang giữa lúc đọc báo, bà đeo găng bằng vải bông rất khít để giữ cho bà tay không dây mực in,- cha mẹ các cháu mất trong một vụ tai nạn ô tô ở Tuscany khi các cháu mới lên ba.

May mắn cho Janice và tôi, - hoặc câu chuyện cứ thế tiếp tục, - bà bác Rose và ông bác Jim tội nghiệp – cầu Chúa phù hộ cho linh hồn ông bác quá cố - đã kịp nhận nuôi chúng tôi ngay sau tấn thảm kịch, đó là vận may của chúng tôi vì họ chưa bao giờ có con. Chị em tôi phải biết ơn vì đã không bị tống vào một trại mồ côi nào đó, phải ăn mì sợi hàng ngày. Nhìn chúng tôi xem! Chúng tôi đang sống trong một cơ ngơi ở Virginia, ít nhất chúng tôi cũng nên đền đáp bằng cách ngừng hỏi những câu làm bà Rose không biết trả lời ra sao. Bà cần ai đó mang thêm cốc whisky pha bạc hà nữa, các khớp xương của bà đang nhức nhối dữ dội vì bị chúng tôi quấy rầy triền miên.

Ngồi trong chuyến bay đến châu Âu, nhìn ra màn đêm Đại Tây Dương và hồi tưởng lại những cuộc xung đột đã qua, tôi sửng sốt thấy mình bỗng nhớ lại mọi thứ về bà Rose, không chỉ là những mảnh ký ức tốt lành.Hạnh phúc biết bao nếu tôi được ở bên bà thêm một giờ, dẫu bà nói huyên thuyên không ngừng nghỉ. Giờ đây khi bà đã đi xa, khó mà tin được rằng có lúc bà đã khiến tôi phải sập mạnh cửa và giậm chân thình thịch trên gác, khó mà công nhận rằng tôi đã phí phạm nhiều giờ khắc quý báu để im lặng bướng bỉnh, nhốt mình trong phòng riêng.

Tôi bực bội lau giọt nước mắt lăn xuống má bằng cái khăn giấy hàng không mỏng tang và tự nhủ rằng ân hận chỉ lãng phí thời gian. Vâng, lẽ ra tôi nên viết nhiều thư hơn cho bà, nên gọi điện thường xuyên hơn cho bà, nói rằng tôi yêu bà nhưng giờ đây tất cả đã quá muộn. Tôi không thể xóa bỏ lỗi lầm trong quá khứ.

Đỉnh cao đau buồn của tôi còn là một cảm giác khác gặm nhấm xương sống tôi. Một điềm báo chăng? Không hẳn vậy. Điềm báo hàm ý có chuyện gở; còn tôi vẫn chưa biết liệu sẽ xảy ra chuyện gì. Có thể toàn bộ chuyến đi này sẽ kết thúc trong thất vọng. Nhưng tôi cũng biết người duy nhất tôi có thể đổ lỗi một cách công bằng cho tình trạng dồn nén này, chính là tôi.

Tôi đã lớn lên trong niềm tin sẽ được thừa kế nửa tài sản của bà Rose, cho nên tôi chẳng phải cố gắng gì. Trong lúc các cô gái khác trạc tuổi tôi đã leo lên cây sào sự nghiệp trơn tuột với những móng tay cắt sửa cẩn thận, thì tôi chỉ làm những việc tôi thích – như dạy kịch ở các trại Shakespeare vì biết rằng sớm hay muộn, khoản thừa kế của bà Rose sẽ trang trải món nợ trong thẻ tín dụng của tôi. Kết quả là, giờ đây tôi ngã ngửa, bởi chỉ được thừa kế duy nhất một thứ của gia truyền khó nắm bắt ở mảnh đất xa xôi, do mẹ tôi để lại, người mẹ mà tôi hầu như không còn nhớ.

Từ khi bỏ trường đại học, tôi chẳng ở nơi nào cố định, có thể ngủ trên ván trượt với các bạn trong phong trào phản chiến và dọn đi bất cứ khi nào có một hợp đồng dạy kịch Shakespeare. Không hiểu sao, các vở kịch của ông cứ dính chặt trong đầu tôi, và dù cố gắng đến đâu, tôi vẫn chẳng bao giờ có thể chán vở Romeo và Juliet.

Thỉnh thoảng tôi dạy người lớn, nhưng tôi thích dạy bọn trẻ hơn, có lẽ vì biết chắc là chúng mến tôi. Trước hết là, chúng luôn nhắc đến người lớn như thể tôi khoong phải là một trong những người đó. Điều đó làm tôi vui vì các em tiếp nhận tôi như người bạn cùng trang lứa, dẫu tôi biết trên thực tế đó chưa chắc là một lời khen. Nó chỉ có nghĩa là chúng cảm thấy tôi sẽ không bao giờ thực sự trưởng thành, dù đã hai mươi lăm tuổi, tôi vẫn bị bắt gặp trong cảnh chật vật mới nói được rõ ý – hoặc thường xuyên hơn, là che giấu – sự cuồng nhiệt đầy chất thơ trong tâm hồn mình.

Nó chẳng giúp gì cho con đường sự nghiệp của tôi, vì tôi hoàn toàn không hình dung ra được tương lai của mình. Khi người ta hỏi tôi thích gì trong đời, tôi không biết nên trả lời ra sao, và khi cố hình dung bản thân mình trong dăm năm nữa, tôi chỉ nhìn thấy một hố sâu to tướng, đen ngòm. Trong những khoảnh khắc buồn bã, tôi giải thích rằng viễn cảnh tối tăm này là dấu hiệu cho thấy tôi sẽ chết trẻ, và kết luận rằng sở dĩ tôi không thể mường tượng ra tương lai của mình vì tôi sẽ không có tương lai. Mẹ tôi chết trẻ, bà ngoại tôi – em gái của bà bác Rose cũng thế. Không hiểu sao, số phận cứ đè nặng lên tình cảnh của chúng tôi, và bất cứ khi nào tôi dự tính làm một thứ dài hơi, như công việc hay dựng nhà thì đến phút cuối cùng, tôi luôn bỏ cuộc vì cứ bị ám ảnh bởi ý nghĩ là tôi sẽ không còn sống để thấy việc đó hoàn thành.

Mỗi lần tôi về nhà vào dịp Giáng sinh hay nghỉ hè, bà Rose lại ra sức năn nỉ tôi ở lại với bà thay vì tiếp tục sống không mục đích.

-Cháu biết không, Julie, - bà nói trong lúc nhặt lá khô ở một cây cảnh trồng trong nhà hoặc trang hoàng cây thông giáng sinh, mỗi lần treo một thiên thần, - cháu có thể trở về đây một thời gian và suy nghĩ xem cháu thích làm gì.

Nhưng dẫu bị cám dỗ, tôi biết mình không thể làm được thế. Janice vẫn đang ở một mình, kiếm tiền bằng nghề mối lái và cho thuê căn hộ hai phòng ngủ nhìn xuống một cái hồ giả, nếu tôi chuyển về nhà có nghĩa là công nhận nó thắng.

Tất nhiên bây giờ mọi sự đã thay đổi. Dọn về ở với bà bác Rose không còn là một lựa chọn. Cái vũ trụ mà tôi biết giờ thuộc về Janice, và tôi rời đi chỉ vẻn vẹn với những thứ đựng trong cái phong bì bằng giấy tơ chuối. Lúc ngồi trên máy bay, đọc lại thư của bà Rose và nhấp thứ rượu vang chua trong cốc nhựa, tôi chợt thấy giờ đây mình hoàn toàn lẻ loi, bà bác yêu quý của tôi đã ra đi, chỉ còn Umberto ở lại trên cõi đời này.

Lớn lên, tôi chưa bao giờ biết cách kết bạn. Trái lại, Janice đã rất chịu khó chen chúc trong các xe buýt hai tầng chật chội nhất và đắt đỏ nhất. Bất cứ khi nào nó đi chơi ban đêm với đám bạn ồn ào, vui vẻ, bà Rose lại bồn chồn, quanh quẩn bên tôi, giả vờ tìm kính lúp hoặc cái bút chì chuyên dụng giải ô chữ. Cuối cùng, bà ngồi xuống cạnh tôi trên sofa, ra vẻ chú ý đến cuốn sách tôi đang đọc. Nhưng tôi biết bà không quan tâm.

-Cháu biết không Julie, - bà nói và phủ bụi trên bộ pyjamas của tôi, - bà có thể tự tìm niềm vui cho mình. Nếu cháu muốn ra ngoài với bạn bè…Lời gợi ý này lởn vởn trong không khí một lát, cho đến lúc tôi nghĩ ra câu trả lời hợp lý. Thực ra, tôi ở nhà không phải vì thương bà Rose, mà vì tôi không thích đi chơi. Mỗi khi bị kéo tới quán rượu nào đó, tôi thường bị những kẻ đầu đất và những cái cổ gầy nhẳng vây quanh, hình như tất cả tưởng rằng chúng tôi đang sống trong thế giới cổ tích và trước khi trời sáng, tôi phải chọn một ngươi trong bọn họ.

Hồi ức về bà Rose đang ngồi cạnh tôi và nhẹ nhàng khuyên bảo tôi phải biết vui sống làm tim tôi đau nhói, Ủ rũ nhìn ra khoảng không bên ngoài qua ô của máy bay nhỏ xinh, bóng loáng, tôi tự hỏi liệu toàn bộ chuyến đi này có phải là sự trừng phạt cho cung cách tôi đã đối xử với bà. Có khi Chúa sẽ tạo ra một vụ rơi máy bay để dạy dỗ tôi. Hay có khi Người cho phép tôi đến Siena, rồi lúc đó tôi mới biết rằng có kẻ nào đó đã cuỗm sạch kho báu của gia đình.

Thực ra, càng nghĩ đến việc này, tôi càng nghi ngờ lý do thật sự bà bác Rose chưa bao giờ nhắc đến khi còn sống và tôi thấy mọi chuyện thật vô lý. Có lẽ lúc cuối đời, bà đã lẫn cẫn và kho báu giả định chẳng qua chỉ là chuyện mơ tưởng. Dù vậy, cưỡng lại một sự kỳ quặc, Siena vẫn vương vấn một giá trị thực sự sau khi chúng tôi rời bỏ từ hơn hai chục năm trước, và liệu những cơ hội có còn ở đó không? Nghĩ đến dân số đông đúc của châu Âu và sự khéo léo của nhân loại nói chung, tôi rất ngạc nhiên nếu còn lại một mẩu pho mát thừa trong cái trung tâm rối rắm tôi đã từng đến trước kia.

Ý nghĩ duy nhất làm tôi vui lên với chuyến bay dài không ngủ là mỗi cốc đồ uống nhỏ do các tiếp viên hàng không tươi tắn mang đến là mỗi lúc tôi càng thêm xa Janice hơn. Nó đang ở đấy, nhảy múa quanh nhà vì tất cả tài sản là của nó và cười nhạo sự kém may mắn của tôi. Nó không hề biết tôi đi Italy, không biết bà bác Rose tội nghiệp, già nua đã cử tôi săn đuổi con ngỗng vàng, chí ít tôi có thể thấy vui vì việc đó. Nếu chuyến đi của tôi thất bại và tôi không tìm tra được kho báu ý nghĩa đó, thì tôi cũng không phải nghe nó nói huyên thuyên.

Chúng tôi hạ cánh ở Frankfurt trong một thứ ánh sáng tựa như ánh nắng, tôi đi dép tông bước xuống máy bay, mắt sung vù, và một miếng táo bọc đường vẫn mắc trong cổ. Còn hơn hai giờ nữa chuyến bay đến Florence mới cất cánh, vừa tới cổng, tôi đã duỗi dài người trên mấy cái ghế và nhắm mắt lại, gối đầu lên cái túi xách trang trí dây rợ, quá mệt nên chẳng còn quan tâm đến ý kiến của người khác.

Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, tôi cảm thấy một bàn tay vuốt cánh tay mình.

-Ahi, ahi, - một giọng nói pha trộn giữa cà phê và thuốc lá, - mi scusi!

Tôi mở mắt và thấy một phụ nữ ngồi cạnh tôi, đang phủi những vụn bánh khỏi tay áo tôi. Trong lúc tôi chợp mắt, cổng sân bay đã đầy người, họ liếc nhìn tôi như nhìn một kẻ vô gia cư, vừa khinh miệt, vừa thương cảm.

-Bà đừng ngại, - tôi nói và ngồi dậy, - dù sao tôi cũng nhếch nhác rôi.

-Này! – Bà ta đưa mời tôi nửa cái bánh sừng bò, có lẽ như để đền bù, - chắc cô đói lắm.

Tôi nhìn bà, ngạc nhiên vì cử chỉ ân cần đó.

-Cảm ơn bà.

Gọi bà là một phụ nữ tao nhã sẽ là thô thiển đi nhiều so với thực tế. Mọi thứ trên người bà tương xứng đến hoàn hảo, không chỉ màu son môi, màu sơn móng tay, mà cả những con ong xinh xắn bằng vàng đính trên đôi giầy, xắc tay, hay trên cái mũ tuyệt đẹp, ngự sinh động trên đỉnh mái tóc nhuộm rất khéo. Tôi chắc rằng người phụ nữ này có mọi lý do để khíến bà hài lòng – nụ cười của bà vui tươi hơn là cố hữu. Chắc chắn bà giàu có – hoặc ít ra là lấy chồng giàu sang, - trông bà có vẻ không phải lo lắng gì trên đời, ngoài việc che giấu một tâm hồn dày dạn cùng ngoại hình được chăm chút cẩn thận.

- Cô đến Florence à? – Bà hỏi, giọng ân cần, âm sắc rất cuốn hút. – Đến xem những thứ gọi là tác phẩm nghệ thuật ư?

-Thực ra, tôi đến Siena, - tôi nói, miệng đầy bánh. –Tôi sinh ra ở đấy. Nhưng tôi chưa trở lại đó lần nào.

-Tuyệt quá! – Bà kêu lên. – Nhưng thật lạ lùng! Tại sao lại không về?

- Đấy là một câu chuyện dài.

- Kể cho tôi đi. Cô phải kể tất cả cho tôi nhé. – Thấy tôi lưỡng lự, bà liền đưa tay lên che miệng. – Tôi xin lỗi. Tôi tò mò quá. Tôi là Eva Maria Salimbeni.

-Tôi là Julie… GIULIETTA TOLOMEI.

Bà ta suýt ngã khỏi ghế.

-Tolomei ư? Họ cô là Tolomei? Không, tôi không thể tin nổi! Có lẽ nào! Gượm đã….cô ngồi ghế nào? Ghế trên náy bay ấy. Cho tôi xem nào…-Bà nhìn vé máy bay của tôi rồi giật ngay khỏi tay tôi. Cô cứ ở đây nhé! Đợi tôi một lát!

Tôi quan sát bà sải bước đến quầy, và tự hỏi liệu đấy có phải là một ngày bình thường trong đời Eva Maria Salimbeni không. Tôi hình dung bà đang cố đổi chỗ để chúng tôi ngồi cạnh nhau suốt chuyến bay, và qua nụ cười lúc bà quay lại, tôi đoán bà đã thành công.

E voila! – Bà đưa tôi tấm vé mới, và vừa nhìn, tôi đã phải cố nén tiếng cười khúc khích vì hài lòng. Lẽ tất nhiên, vì muốn tiếp tục câu chuyện của chúng tôi, tôi đã được nâng lên ghế hạng nhất. Khi chúng tôi ở trên không, chẳng mấy chốc Eva Maria đã moi được câu chuyện của tôi. Nhưng điều duy nhất tôi không tiết lộ là nhận dạng kép của mình và kho báu giả định của mẹ tôi.

-Thế, - cuối cùng bà nói, nghiêng đầu sang một bên, - cô đến Siena để… xem Palio ư?

-Gì kia?

Câu hỏi của tôi khiến bà kinh ngạc.

-Palio! Cuộc đua ngựa. Siena nổi tiếng vì cuộc đua ngựa Palio. Quản gia của bà bác cô – cái ông Alberto khôn ngoan ấy – chưa bao giờ kể cho cô nghe về nó sao?

-Umberto, - tôi sửa lại cho bà. –Vâng, tôi đoán là có. Nhưng tôi không biết rằng đấy vẫn là nơi hấp dẫn. Mỗi khi ông ấy kể về nó, giống như một thứ ở thời Trung cổ, với các hiệp sĩ trong bộ áo giáp sáng ngời và đủ thứ khác.

-Lịch sử của Palio, - Eva Maria gật đầu, - phải kể từ…-bà phải tìm chọn một từ tiếng Anh cho đúng – thời Trung cổ ít người biết đến. Ngày nay, cuộc đua diễn ra ở Camp trước Tòa Thị chính, kỵ sĩ là các dô kề chuyên nghiệp. Nhưng thời xưa, người ta tin rằng kỵ sỹ là các nhà quý tộc cưỡi chiến mã, họ cưỡi ngựa suốt quãng đường từ vùng quê vào thành phố, rồi điểm cuối là trước Thánh đường Siena.

-Nghe ấn tượng quá, - tôi noi, vẫn bối rối trước lòng tốt dạt dào của bà. Nhưng có lẽ bà chỉ thấy mình có trách nhiệm chỉ dẫn cho người lạ về Siena mà thôi.

-Ôi!- Eva Maria tròn mắt. – Đấy là sự kiện ấn tượng nhất trong sinh hoạt của chúng tôi. Nhiều tháng ròng, dân chúng Siena chẳng nói gì khác ngoài ngựa, các đối thủ và các sự kiện xảy ra với kỵ sỹ này, nọ, - Bà lắc đầu trìu mến. Chúng tôi gọi nó là dolce pazzia..sự điên rồ lành mạnh. Khi cô cảm nhận được điều đó, cô sẽ không bao giờ muốn rời bỏ.

-Umberto thường nói rằng, không thể giải thích gì về Siena, - tôi nói và chợt ước giá ông đi cùng tôi, lắng nghe người phụ nữ đầy mê hoặc này. – Phải ở đấy và nghe thấy tiếng trống mới hiểu nổi.

Eva Maria mỉm cười duyên dáng như một nữ hoàng nhận lời tụng ca.

-Ông ấy nói đúng. Cô phải cảm nhận nó, - bà giờ tay và chạm vào ngực tôi - ở đây này.

Với bất cứ người nào khác, cử chỉ này dường như rất phóng túng, không thích hợp, nhưng Eva Maria là người có thể làm được điều đó.

Trong lúc cô tiếp viên rót cho chúng tôi cốc champage nữa, người bạn mới của tôi kể thêm về Siena, “để cô không gặp phải rắc rối”, bà nháy mắt.

Du khách thường hay gặp rất nhiều phiền toái. Họ không biết rằng Siena không chỉ là Siena, mà có mười bảy khu vực khác nhau trong phạm vi thành phố - hay còn gọi là contrada, - tất thảy đều có lãnh địa riêng, quan tòa riêng và gia huy riêng. – Eva Maria chạm cốc với tôi, vẻ bí ẩn. – Nếu cô thấy ngờ vực, hãy luôn ngước nhìn vào các góc nhà. Những dấu hiệu bằng sứ nho nhỏ sẽ cho cô biết cô đang ở khu vực nào. Hiện giờ, gia tộc Tolomei của cô thuộc khu Owl (Cú) và các bạn đồng minh của cô là Eagle (Đại bàng) và Porcupine (Nhím)và…tôi quên những khu khác rồi. Với người dân Sienam các khu vực này là mối quan tâm chính trên đời; họ là bạn, là cộng đồng, là đồng minh và cũng là đối thủ. Từng ngày trong năm.

-Vậy contrada của tôi là Owl, - tôi nói, thích thú vì thỉnh thoảng Umberto gọi tôi là con cú cau có mỗi khi tôi ủ rũ. – Còn contrada của bà là gì?

Lần đầu tiên kẻ từ khi chúng tôi bắt đầu trò chuyện, Eva Maria ngoảnh đi, đau đớn vì câu hỏi của tôi.

-Tôi không có gì hết, - bà nói cho xong. – Gia đình tôi bị trục xuất khỏi Siena từ nhiều trăm năm trước.

*

Trước khi máy bay hạ cánh ở Florence khá lâu, Eva Maria đã nhất quyết đòi đưa tôi đến Siena. Bà giải thích Siena thuận đường đến nhà bà ở Val d’Orcia, và không có gì là phiền toái hết. Tôi nói với bà rằng tôi không hề ngại đi xe buýt, nhưng rõ ràng bà là người không đặt niềm tin vào các phương tiện giao thông công cộng.

-Lạy Chúa Thánh Thần! – Bà kêu lên khi tôi đã xiêu lòng vì đề nghị của bà, -tại sao cô lại muốn đợi một chiếc xe buýt không bao giờ xuất hiện trong khi cô có thể đi cùng tôi và thấy rất thoải mái trong ô tô mới của con trai đỡ đầu của tôi? –Thấy tôi hầu như đã bằng lòng, bà mỉm cười quyến rũ và càng ra sức thuyết phục.

-Giulietta, tôi sẽ thất vọng nếu chúng ta không kéo dài cuộc trò chuyện dễ chịu này thêm chút nữa.

Thế là chúng tôi khoác tay nhau len qua các hành khách, trong khi nhân viên hải quan chỉ liếc nhìn hộ chiếu của tôi, thì anh ta lại xem hộ chiếu của Eva Maria đến hai lần. Sau đó lúc tôi đang điền thông tin vào tờ đơn màu sắc sặc sỡ báo mất hành lý, Eva Maira đứng cạnh, gõ đôi giày Gucci xuống sàn cho đến khi người phụ trách hành lý thề sẽ đích thân tìm lại hai cái va li của tôi từ bất cứ nơi nào trên đời và- bất kể thời gian nào,- sẽ đưa thẳng tới khách sạn Chiusarelli ở Siena, địa chỉ mà Eva Maria ghi bằng thỏi son môi và nhét vào túi áo anh ta.

-Cô thấy chưa GIULIETTA, Bà giảng giải lúc chúng tôi cùng ra khỏi sân bay, không mang theo gì ngoài sự ồn ào rất nhỏ của bà, - đây mới là năm mươi phần trăm người ta nhìn thấy, còn năm mươi phần trăm là thứ người ta tưởng là thấy, Đây!- Bà xúc động vẫy một chiếc ô tô đen không có khách đỗ trong làn đường dành cho xe cứu hỏa. – Nó kia kìa! Xe đẹp đấy chứ?- Bà huých tôi và nháy mắt. – Kiểu mới đấy.

-Thế ạ? –Tôi lễ phép nói. Ô tô chưa bao giờ là niềm say mê của tôi, trước hết vì chúng thường đi cùng với một anh chàng. Chắc chắn rằng Janice có thể kể cho tôi nghe chính xác tên, kiểu dáng của chiếc ô tô kia trong danh sách những thứ khiến nó yêu chủ nhân của một chiếc xe đỗ tại địa điểm rất kịch bên bờ biển Amlfi. Chẳng cần phải nói, danh sách các việc cần làm của nó khác hẳn của tôi.

Không quá mếch lòng vì sự thiếu nhiệt tình của tôi Eva Maria kéo tôi đến gần hơn và thì thầm vào tai tôi:

-Đừng nói gì nhé, tôi muốn cho nó ngạc nhiên! Nhìn xem… nó điển trai chưa kìa? – Bà cười khúc khích mãn nguyện và kéo tôi tới chỗ người đàn ông đang xuống xe. – Chào Sandro!

Người đó đi vòng qua xe để đến chào chúng tôi:

-Chào mẹ đỡ đầu! – Anh ta hôn lên hai má Eva Maria và hình như không chú ý đến bàn tay ngưỡng mộ của bà đang lùa vào mái tóc đen nhánh của anh. – Chào mừng mẹ đã về

Eva Maria nói đúng. Trong ánh mắt người con trai đỡ đầu của bà không chỉ có vẻ bình thản ác độc, anh ta còn diện rất choáng, và mặc dù tôi hầu như không sành sỏi về sức hấp dẫn với đàn bà, tôi vẫn ngờ rằng anh ta không bao giờ thiếu các nạn nhân tự nguyện.

-Allessandro, mẹ muốn con gặp một người. – Eva Maria không nén được sự phấn khích của mình. – Đây là cô bạn mới của mẹ. Mẹ đã gặp cô ấy trên máy bay. Cô ấy tên là Giulietta Tolomei. Con có tin được không?

Alessandro quay sang nhìn tôi bằng cặp mắt xanh biếc màu hương thảo khô, tôi tin chắc cặp mắt ấy sẽ khiến cho Janice mặc đồ lót vừa uốn éo điệu rumba khắp nhà, vừa ngân nga vào chiếc micro nhỏ xíu.

-Xin chào! – Tôi nói, tự hỏi anh ta có sắp hôn tôi không.

Nhưng anh ta không làm vậy, Allessandro nhìn bím tóc, cái quần sooc rộng lùng thùng và đôi dép lê của tôi rồi mới nặn ra một nụ cười và nói gì đó bằng tiếng Ý mà tôi không hiểu.

-Tôi xin lỗi, - tôi nói, - Nhưng tôi không …

Ngay khi hiểu rằng ngoài vẻ lôi thôi lếch thếch, tôi còn không biết tiếng Ý, con trai đỡ đầu của bà Eva Maria mất hẳn hứng thú với tôi. Lẽ ra nên dịch câu vừa nói, anh ta chỉ hỏi:

- Không có hành lý à?

-Nhiều ấy chứ. Nhưng hình như tất cả đều chuyển đến Verona.

Lát sau, tôi ngồi cạnh Eva Maria ở ghế sau, chiếc xe lao vun vút qua nhiều khung cảnh tráng lệ của Florence. Chẳng mấy chốc, tôi tin rằng sự im lặng ủ ê của Allessandro chẳng qua vì kém tiếng Anh, nhưng sao tôi phải quan tâm kia chứ? Tôi cảm thấy một sự sôi nổi mới mẻ bùng nổ trong lòng. Tôi đang ở đây, trở lại đất nước đã tống cổ tôi hai lần, thâm nhập thành công vào tầng lớp đầy kiên cố, Tôi mong được gọi ngay cho Umberto và kể mọi chuyện với ông.

- GIULIETTA, - cuối cùng, Eva Maria ngồi dựa lưng thoải mái và nói, - tôi sẽ cẩn trọng và không kể… với quá nhiều người cô là ai.

-Tôi ư? – Tôi suýt bật cười – Nhưng tôi chẳng là ai hết!

-không là ai ư? Cô là một Tolomei!

-Bà đã bảo tôi rằng dòng họ Tolomei sống từ xa xưa lắm rồi.

Eva Maria gí ngón tay trỏ vào mũi tôi:

-Đừng đánh giá thấp sức mạnh của các sự kiện xảy ra từ rất lâu rồi. Đó là một sai lầm bi thảm của con người hiện đại. Tôi khuyên cô, vì cô là người từ Tân Thế giời về: Hãy lắng nghe nhiều hơn và nói ít hơn. Đây là nơi cô đã ra đời. Hay tin tôi Giulietta, ở đây sẽ có nhiều người biết cô là ai.

Liếc nhìn vào kính chiếu hậu, tôi thấy Allessandro đang nhìn tôi, mắt nheo lại. Dù có biết tiếng Anh hay không, rõ ràng không như bà mẹ, anh ta không thích con người tôi, nhưng vì quá nguyên tác nên không nói ra những suy nghĩ của mình. Anh ta chịu đựng sự có mặt của tôi trong xem miễn là tôi không vượt qua ranh giới của sự nhún nhường và biết ơn.

-Gia tộc Tolomei của cô, -Eva Maria nói tiếp, quên bẵng những linh cảm xấu, - là một trong các gia tộc giàu có nhất và quyền lực nhất trong toàn bộ lịch sử của Siena. Họ có nhà băng riêng, và luôn gây hấn với gia tộc Salimbeni, để chứng tỏ dòng họ nào có thế lực hơn trong thành phố. Thời Trung cổ, mối thù truyền kiếp của họ trầm trọng đến mức dòng họ này thiêu rụi các ngôi nhà và giết chết mọi đứa trẻ ngay trên giường của dòng họ kia.

- Họ là kẻ thù ư? – Tôi hỏi, ngây người.

- Phải! Kẻ thù độc địa nhất! cô có tin vào số phận không? Eva Maria đặt tay lên tay tôi và xiết chặt. – Tôi thì tin. Hai dòng họ ta, Tolomei và Salimbeni có mối hận thù cổ xưa, đẫm máu… Nếu chúng ta ở vào thời Trung cổ, chúng ta sẽ cắt cổ nhau. Giống như dòng họ Capulets và Montague trong Romeo và Juliet vậy. – Bà nhìn tôi đầy ẩn ý. –Tại chợ phiên Siena, cả hai dòng họ đều đánh giá như nhau, ở đó chúng tôi bố trí một cảnh, cô có biết là vở kịch gì không? – Khi tôi chỉ gật đầu vì bị áp đảo quá chừng, không nói nổi, bà vỗ nhẹ tay tôi, đoán chắc. – Cô đừng lo, tôi tin rằng cô và tôi, với tình bạn mới của chúng ta, cuối cùng sẽ chôn vùi được mối cừu hận sâu xa của hai dòng họ. Chính vì thế, - bà đột ngột trở lại chỗ, - Sandro! Mẹ nhờ cậy con bảo đảm an toàn cho Giulietta ở Siena, Con có nghe mẹ nói không?

-Cô Tolomei, - Allessandro vừa trả lời vừa nhìn đường phía trước, - sẽ không bao giờ an toàn ở bất cứ nơi đâu. Từ bất cứ người nào.

-Chuyện trò kiểu gì thế? – Bà Eva Maria mắng. – Cô ấy là một Tolomei, bổn phận của chúng ta là bảo vệ cô ấy.

Allessandro liếc nhìn tôi trong gương, và tôi có cảm tưởng rằng anh ta có thể nhìn thấu tôi, sâu sắc hơn tôi nhìn anh ta.

-Biết đâu cô ấy không muốn nhận sự che chở chủa chúng ta. – Qua cách anh ta nói, tôi biết rằng đây là một thử thách, và cũng hiểu rằng anh ta rất giỏi thứ ngôn ngữ của tôi dù âm sắc có chút khác biệt. Có nghĩa là anh ta có nhiều lý do để nói năng gióng một với tôi..

-Tôi rất cảm kích vì chuyến đi này, - tôi nói và cố nở nụ cười đáng yêu nhất. – Nhưng tôi chắc Siena rất an toàn.

Anh ta chỉ khẽ gật đầu nhận lời khen.

-Cái gì đưa cô tới đấy thế? Công việc hay ý muốn?

-Tôi cho là do ý muốn.

Eva Maria vỗ tay hào hứng:

-Thế thì chúng tôi bảo đảm rằng cô sẽ không thất vọng! Allessandro biết mọi điều bí ẩn của Siena. Phải không, con yêu? Nó sẽ chỉ cho cô những chỗ đẹp tuyệt vời mà một mình cô sẽ không bao giờ tìm ra. Ôi, cô sẽ vui lắm!

Tôi há miệng, nhưng không biết nói gì. Thế là tôi đành ngậm miệng lại. Allessandro cau mày, chứng tỏ việc dẫn tôi đi khắp Siena sẽ khiến cho anh ta chán ngán suốt một tuần lễ.

- Sandor!- Bà Eva Maria nói tiếp, giọng trở nên đanh, sắc. – Con phải làm cho Giulietta vui, hiểu chưa

- Con có thể hình dung không còn gì hạnh phúc hơn, Allessandro trả lời và bật đài trên xe.

-Thấy chưa? Eva Maria bẹo gò má ửng hồng của tôi. – Shakespeare biết làm gì kia chứ? Giờ đây chúng ta là bạn bè.

Bên ngoài, vạn vật như một vườn nho, bầu trời lơ lửng trên quang cảnh giống như một mũi đất xanh biếc được che chở. Đây là nơi tôi ra đời, chợt tôi cảm thấy mình như một kẻ xa lạ, một kẻ đột nhập lẻn qua cửa sau, tìm kiếm và cố giành lấy thứ chẳng bao giờ thuộc về mình.

Nhẹ cả người khi cuối cùng, chúng tôi đỗ lại trước cửa khách sạn Chiusarelli. Suốt quãng đường, Eva Maria ân cần kể cho tôi nghe điều này điều nọ về Siena nhưng bạn chỉ có thể giữ một cuộc trò chuyện lịch sự đến thế là cùng,sau một đêm mất ngủ và toàn bộ hành lý bị cuỗm sạch một mẻ.

Mọi thứ của nả của tôi đều nằm trong hai va li đó. Về cơ bản, tôi đã gói ghém tất cả tuổi thơ ngay sau tang lễ của bà bác Rose, và rời đi bằng taxi vào khoảng nửa đêm cùng tiếng cười đắc thắng của Janice vẫn ngân vang trong đầu. Toàn bộ quần áo, sách vở, đủ thứ vặt vãnh ngớ ngẩn, nhưng bây giờ chúng đang ở Verona còn tôi ở đây, mắc kẹt ở Siena chỉ vẻn vẹn có bàn chải răng, nửa thanh granola và một cái tai nghe.

Sau khi đỗ xe bên lề đường trước khách sạn và mở cửa xe cho tôi, Allessandro đưa tôi vào tiền sảnh, đầy ý thức trách nhiệm. Rõ ràng anh ta không muốn thế, còn tôi cũng không đánh giá cao cử chỉ ấy, nhưng Eva Maria từ băng ghế sau theo dõi cả hai chúng tôi, và lúc này tôi hiểu bà là một phụ nữ quen có mọi thứ theo kiểu của bà.

- Mời cô, - Allessandro nói và giữ cửa. – Tôi sẽ đi cùng cô.

Chẳng còn gì làm ngoài việc bước vào khách sạn Chiusarelli. Tòa nhà chào đón tôi với vẻ thanh bình mát mẻ, trần cao được các cột đá hoa chống đỡ, và từ một nơi nào đó bên dưới, vẳng đến tiếng hát với tiếng nồi xoong loảng xoảng.

-Bon giorno!- Một người dàn ông oai vệ mặc comple nhô lên sau quầy lễ tân, cái thẻ ghi tên bằng đồng cho tôi biết ông ta là Giám đốc Rossini.

-Xin chào mừng! – Ông ta ngừng lại khi nhìn thấy Allessandro. Chào đại úy.

Tôi đặt bàn tay lên lớp đá hoa xanh, hy vọng có nụ cười quyến rũ.

-Xin chào. Tôi là Giulietta Tolomei. Tôi đã đặt chỗ trước. Xin lỗi ông một chút, - tôi quay sang Allessandro.- Vâng, thế là xong. Tôi đã ở đây an toàn.

-Tôi rất tiếc, thưa cô, - ông Rossini nói, - nhưng tôi không thấy trong danh sách đặt trước có tên cô.

-Ồ, tôi chắc là… có vấn đề gì chăng?

-Đây alf Palio! – Ông ta giơ tay lên, giận dữ. – Một khách sạn hoàn hảo!. Nhưng…- ông ta gõ lên màn hình máy tính, - ở đây tôi thấy số thẻ tín dụng mang tên Juluie Jacobs. Đặt chỗ trước trong một tuần. Hôm nay từ Mỹ tới. Có thể là cô chăng?

Tôi liếc nhìn Allessandro. Anh ta đáp lại cái nhìn chằm chằm của tôi bằng vẻ hoàn toàn dửng dưng.

-Vâng đúng là tôi, - tôi nói.

Giám đốc Rossini sửng sốt:

-Cô là Julie Jacobs? Và là Giulietta Tolomei?

-À …vâng.

-Nhưng…-Giám đốc Rossini bước sang bên một chút để nhìn Allessandro rõ hơn, lông mày ông ta diễn tả một dấu hỏi lịch sự. – Có vấn đề gì chăng?

- Không có gì đâu, - Allessandro đáp, nhìn cả hai chúng tôi với vẻ vô cảm cố ý. – Cô Jacobs. Muốn lưu lại Siena.

Trong chớp mắt, con trai đỡ đầu của Eva Maria đã đi mất, còn lại tôi với giám đốc Rossini và sự im lặng khó chịu. Chỉ đến khi tôi điền xong tờ khai đặt trước mặt, ông giám đốc khách sạn mới gượng cười.

-Vậy…cô là bạn của đại úy Santini?

Tôi ngoái nhìn lại:

-Ý ông là, người vừa ở đây ư? Không, chúng tôi không phải là bạn. Họ anh ta là Santini sao?

Hiển nhiên là giám đốc Rossini thấy tôi kém hiểu biết.

-Danh tính của anh ấy là Đại úy Santini. Anh ta là…nói thế nào nhỉ? Là chỉ huy an ninh của Mote dei Paschi. Ở lâu đài Salimbeni.

Chắc là trông tôi bàng hoàng lắm, vì giám đốc Rossini vội vã an ủi:

- Cô đừng lo, chúng tôi không có tội phạm ở Siena đâu. Đây là một thành phố rất yên bình. Trước kia, ở đây đã từng có một kẻ tội phạm, ông ta cười tủm một mình lúc bấm chuông gọi người trực tầng, - nhưng chúng tôi đã chăm sóc hắn cẩn thận rồi!

Suốt nhiều giờ qua, tôi chỉ mong đến lúc được lăn ra giường. Nhưng lúc này, khi cuối cùng có thể làm thế, thay vì nằm nghỉ, tôi đi tới đi lui trong phòng khách sạn ngẫm nghĩ đến khả năng Allessandro Santini sẽ lục tìm tên tôi và lật tẩy quá khứ ảm đạm của tôi. Bây giờ, điều cuối cùng tôi cần là có người ở Siena lục hồ sơ cũ của Julie Jacobs, phát hiện ra hành động liều mạng của tôi ở Rome và đặt dấu chấm hết không đúng lúc cho cuộc săn tìm kho báu.

Sau đó, tôi gọi cho Umberto để báo tin đã đến nơi an toàn, chắc hẳn ông đã cảm nhận được sự lo ngại trong giọng tôi, vì ngay lập tức ông đoán biết có chuyện trục trặc.

- Ồ, không có gì ạ, - tôi nói, - Chỉ có một gã Armani cứng nhắc phát hiện ra cháu có hai tên thôi.

- Nhưng anh ta là người Ý, - Umberto trả lời nhanh nhạy. Anh ta không quan tâm dù cô có phá luật chút ít, miễn là cô đi đôi giầy đẹp. Cô đang đi giầy đẹp đấy chứ? Cô có đi đôi giầy tôi tặng cô không?... Công chúa? – Tôi nhìn xuống đôi dép tông. – Tôi chắc là mình có thể nâng cốc chúc mừng.

Đêm hôm đó khi lê vào giường, tôi chìm ngay vào một giấc mơ mấy tháng nay không trở lại, nhưng nó là một phần đời tôi từ thuở ấu thơ. Trong cơn mơ tôi đi khắp nơi trong một tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy, sàn khảm hoa và trần thánh đường có nhiều cây cột khổng lồ chống đỡ. Rồi tôi đẩy hết cánh cửa mạ vàng này đến cánh cửa khác và ngạc nhiên vì tịnh không một bóng người. Chỉ có một thứ anh sáng duy nhất lọt qua các ô cửa hẹp gắn kính màu ở cao tít trên đầu tôi tạo ra các tia sáng này, chiếu sáng chút ít vào các góc tối quanh tôi.

Lúc đi qua các căn phòng rộng mênh mông ấy, tôi cảm thấy mình giống như một đứa trẻ lạc trong rừng, tôi thất vọng vì cảm thấy sự hiện diện của nhiều người khác nữa, nhưng họ lại không bao giờ xuất hiện trước mặt tôi. Khi đứng yên, tôi có thể nghe thấy họ thì thầm và chuyển động như những bóng ma, nhưng nếu họ là những người thực sự siêu trần, họ cũng đang bị mắc kẹt như tôi, và đang tìm lối thoát.

Cho đến khi đọc vở kịch ở trung học, tôi mới vỡ lẽ rằng lời những ma quỷ vô hình đang thầm thì là nhiều đoạn trong vở kịch Romeo và Juliet của Shakespeare, không phải cách các diễn viên đọc thuộc lòng trên sân khấu, mà là những lời lầm bầm với sức mạnh tiềm tàng, như một câu thần chú. Hoặc một lời nguyền.

Nội trong ba giờ nữa

Juliet xinh tươi sẽ tỉnh dậy

--- --------oOo---- -------

Cuối cùng, tiếng chuông từ nhà thờ vọng qua quảng trường lay tôi tỉnh giấc. Hai phút sau, giám đốc Rossini gõ cửa, như thể ông biết tôi không thể ngủ được trong tiếng ồn ào huyên náo.

-Xin lỗi! – không đợi mời, ông kéo lê một va li to tướng vào phòng tôi và đặt lên cái giá để trống. – Cái này dành cho cô từ tối qua.

-Gượm đã! – Tôi lao ra cửa và quấn chiếc áo choàng tắm quanh người, chặt hết mức có thể. – Đấy không phải vali của tôi.

-TÔI biết. – Ông rút chiếc khăn mùi soa trong túi áo ngực và lau mồ hôi trên trán. – Vali này của Contesssa Salimbeni. Bà ấy để lại một bức thư ngắn cho cô đây.

Tôi cầm bức thư.

Một contesssa chính xác là gì?

- Thông thường, -giám đốc Rossini nghiêm trang nói, - tôi không đưa hành lý. Nhưng vì đây là của Contesssa Salimbeni….

- Bà ấy cho tôi mượn quần áo ư? – Tôi chăm chú nhìn bức thư viết tay của Eva Maria, hồ nghi. – Cả giầy nữa?

- Cho đến khi nào hành lý của cô tới. Hiện nó ở Frittoli.

Với nét chữ tuyệt đẹp, Eva Maria lường trước có thể quần áo của bà không hẳn vừa với tôi. Nhưng bà kết luận, như thế này còn hơn là trần truồng mà chạy quanh.

Lúc kiểm tra hết thứ này đến thứ khác trong vali, tôi lấy làm mừng vì Janice không thể nhìn thầy tôi. Ngôi nhà tuổi thơ của chúng tôi không đủ lớn cho cả hai chị em cùng theo đuổi thời trang, và thế là tôi – Umberto thất vọng nhiều hơn tôi – phải dấn thân vào một sự nghiệp có đủ thứ “ nhưng”. Trong trường, Janice nhận được những lời ca ngợi của bạn bè, những người mà cuộc sống của họ được quảng cáo rầm rộ bằng tên tuổi một nhà thiết kế thì tôi nhận được sự ngưỡng mộ của các bạn gái đi nhờ xe đến cửa hàng từ thiện, những người không dám mơ mua được thứ tôi mua hoặc đủ can đảm phối chúng với nhau. Không phải vì tôi ghét quần áo đẹp, mà chỉ vì tôi không muốn Janice khoái chí xuất hiện với vẻ thương xót cho bộ dạng của tôi. Dù tôi có cố gắng chăm chút bản thân ra sao, nó cũng luôn vượt hẳn tôi.

Khi chúng tôi ra trường, tôi đã có hình ảnh riêng của mình: một cây bồ công anh trong luống hoa xã hội. Khá đáng yêu, nhưng vẫn là một cây cỏ. Khi bà Rose đặt tấm ảnh lễ tốt nghiệp của chúng tôi lên cây đại dương cầm, bà mình cười buồn bã và nhận xét rằng trong tất cả những lớp tôi đã học qua hình như kết quả tốt nghiệp xuất sắc nhất của tôi là những gì trái ngược hẳn với Janice.

Nói một cách khác, kiểu dáng thời trang của Eva Maria chắc chắn không phải là phong cách của tôi. Nhưng tôi còn có lựa chọn nào nữa đây. Sau cuộc nói chuyện với Umberto đêm hôm trước tôi quyết bỏ đôi dép tông hiện dùng và chú ý đến dáng vẻ bên ngoài cho đẹp đẽ hơn. Hơn nữa việc tôi cần nhất lúc này là làm sao để Francesso Maconi cố vấn tài chính của mẹ tôi, không nghĩ tôi là kẻ không đáng tin cậy.

Thế là tôi thử hết bộ này đến bộ khác của Eva Maria, xoay đi xoay lại trước giương, cho đến lúc tìm ra một bộ ít diêm dúa nhất – một chiếc váy màu nâu đậm và chiếc áo khoác đỏ như màu xe cứu hỏa, điểm những chấm tròn to màu đen, khiến tôi trông như vừa chui ra từ chiếc Jaguar với bốn món đồ hòa hợp tuyệt vời và một chú chó nhỏ xíu tên là Bijou. Quan trọng hơn cả, nó khiến tôi trông như đã ăn sống nuốt tươi các của gia bảo được giấu kín bao đời – và các cố vấn tài chính – cho bữa sáng.

May mắn là có một đôi giầy hợp bộ.

Giám đốc Rossini giải thích muốn đến lâu đài Tolomei, tôi phải chọn hoặc là ngược lên phố Paradiso hoặc xuôi xuống phố Sapienza. Trên thực tế, cả hai đường này đều dễ tắc nghẽn giao thông như phần lớn các phố trong khu thương mại của Siena, nhưng đường Sapienza có thể gặp chút rắc rối, và nói chung, đường Paradiso chắc chắn an toàn hơn.

Lúc đi xuống phố Sapienza, tôi thấy mặt tiền các ngôi nhà cổ đóng kín mít, và chẳng mấy chốc, tôi đã mắc kẹt trong một mê cung của những thế kỷ quá khứ, hòa quyện với nếp sống trước kia. Trên đầu tôi, một dải trời xanh biếc bị nhiều biểu ngữ bắt chéo, màu sắc táo bạo sinh động lạ lùng giữa màu gạch Trung cổ, ngoại trừ một chiếc quần Jeans lạc lõng phơi ở một cửa sổ, gần như không có gì biến nơi này thành hiện đại.

Thế giới phát triển khắp nơi, nhưng Siena không cần biết điều đó. Giám đốc Rossini đã bảo tôi rằng, với cư dân Siena, thời hoàng kim là giai đoạn cuối Trung cổ, và tôi có thể thấy ông nói đúng. Thành phố ương ngạnh bám chặt lấy bản chất Trung cổ, bất chấp sức lôi cuốn của sự tiến bộ. Đây còn rất ít vết tích của thời kỳ Phục hưng, nhưng tựu trung, viên giám đốc khách sạn cười khẩy Siena quá khôn ngoan nên không bị sự quyến rũ của các tay chơi lịch sử cám dỗ, những kẻ được gọi là bậc thầy, biến các ngôi nhà thành cái bánh nhiều lớp.

Kết quả là, thứ diễm lệ nhất của Siena chính là sự nguyên vẹn của nó, dù hiện giờ, trong một thế giới không còn được chăm sóc, nó vẫn là Siena Vetuss Civitas Virginis, hay theo tiếng nước tôi, là Siena cổ kính, thành phố của Đức Mẹ Đồng Trinh. Chỉ với lý do đó, giám đốc Rossini xòe tất cả các ngón tay lên quầy đá hoa xanh biếc mà kết luận rằng, đây là nơi duy nhất đáng sống trên hành tinh này.

- Vậy, ông đã từng sống ở nơi nào khác chưa? – Tôi hỏi ông ngây thơ.

- Tôi đã ở Rome hai ngày, - ông đáp, vẻ chững chạc. – Ai cần nhìn thấy nhiều hơn chứ? Khi cô cắn phải một miếng táo thối, cô có ăn tiếp không?

Đắm mình trong những con hẻm lặng lẽ, cuối cùng tôi gặp một đường phố ồn ào dành cho người đi bộ. Theo nhận định của tôi, đây là Corso, và giám đốc Rossini đã giải thích là dãy phố nổi tiếng nhất vì có nhiều nhà băng cổ, thường phục vụ người nước ngoài dạo chơi trên con đường hành hương cổ kính, xuyên thẳng qua thành phố. Trải qua nhiều thế kỷ hàng triệu người đã đến Siena, nhiều thứ đồ châu báu và tiền nước ngoài đã đổi chủ. Nói khác đi, dòng du khách đều đặn thời hiện đại chỉ là sự tiếp nối truyền thống cổ xưa và giúp thành phố sinh lời.

Giám đốc Rossini kể gia tộc Tolomei của tôi đã trở nên giàu có ra sao, và đối thủ của họ, gia tộc Salimbeni còn giàu hơn. Họ là thương nhân và chủ ngân hàng, các lâu đài vững chãi của họ nằm bên sườn của chính con đường này – đường chính của Siena, - có những tòa tháp cao ngất cứ ngày càng xây cao lên, cao lên mãi cho đến lúc cuối cùng, tất cả đều sụp đổ.

Lúc đi qua lâu đài Salimbeni, tôi tìm kiếm dấu vết của tòa tháp cổ nhưng vô ích. Nó vẫn là một tòa nhà rất ấn tượng với cửa trước đồ sộ, nhưng không còn sừng sững như trước đây, Ở nơi nào đó trong tòa nhà kia, tôi nghĩ lúc lật cao cổ áo, bước vội qua, Allessandro con trai đỡ đầu của Eva Maria có phòng làm việc riêng. Hy vọng rằng anh ta không – ngay lúc này thôi – lùng sục danh sách tội phạm để tìm ra bí mật đen tối sau cái tên Julie Jacobs

Xuôi xuống dưới – nhưng không quá xa – là lâu đài Tolomei, nơi cư ngụ cổ xưa của tổ tiên tôi. Ngước nhìn mặt tiền Trung cổ tráng lệ, tôi bỗng cảm thấy rất tự hào, vì được là họ hàng với những người có thời đã sống trong tòa nhà đặc biệt. Trong chừng mực có thể nhìn thấy, tòa nhà không thay đổi quá nhiều từ thế kỷ XIV; chỉ có một điều duy nhất được thừa nhận là dòng họ Tolomei hùng mạnh đã dọn đi và một nhà băng hiện đại dọn đến, theo các quảng cáo tiếp thị treo trên các cửa sổ vững chãi, những lời hứa hẹn đầy màu sắc bị các chấn song sắt quá.

Bên trong tòa nhà cũng trang nghiêm không kém bên ngoài. Một nhân viên an ninh đi tới giữ của lúc tôi bước vào, lịch sự trong chừng mực khẩu súng trường nửa tự động trên tay anh ta cho phép, nhưng tôi mải nhìn quanh nên chẳng kịp để ý đến bộ đồng phục của anh ta. Sáu cây cột khổng lồ bằng gạch đỏ chống trần nhà cao, cao vượt hẳn so với con người, và mặc dù có những quầy ghế và nhiều người đi lại trên sàn đá rộng mênh mông, song tất cả chỉ chiếm ít chỗ đến mức những chiếc đầu sư tử trắng nhô ra từ các bức tường cổ kính hình như hoàn toàn không hay biết đến sự hiện diện của con người.

- Sì? – Người thu ngân nhìn tôi qua gọng kính rất mốt, mảnh, dường như không thể nhìn thấy một lát hiện thực mỏng dính.

Tôi hơi nhô người ra một chút, vì muốn kín tiếng.

- Tôi có thể nói chuyện với signor Francesco Maconi được không?

Người thu ngân nhìn xoáy vào tôi qua cặp kính, nhưng có vẻ không tin vào thứ cô ta nhìn thấy.

- Ở đây không có signor Francesco, - cô ta nói, giọng nặng trịch.

- Không có Francesco Maconi ư?

Lúc này, cô thu ngân thấy cần bỏ hẳn kính ra, gập cẩn thận trên quầy và nhìn tôi với nụ cười bề trên, hệt như lúc người ta làm trước khi chọc kim tiêm vào cổ bạn vậy:

- Không.

- Nhưng tôi biết ông ấy thường làm việc ở đây…- tôi không biết nên nói gì thêm thì đồng nghiệp của cô ta ở ngăn bên cạnh ngả người sang góp chuyện, thì thầm gì đó bằng tiếng Ý. Lúc đầu, người thu ngân không thân thiện của tôi gạt người kia bằng cái xua tay giận dữ, nhưng lát sau, cô ta bắt đầu xem xét lại.

- Xin lỗi, - cuối cùng, cô ta nói nhô về phía trước để tôi chú ý, - nhưng ý cô muốn nói đến chủ tịch Maconi?

Tôi choáng váng vì kích động:

- Ông ấy làm việc ở đây hai chục năm trước phải không?

Cô ta tỏ ra kinh hoàng:

- Chủ tịch Maconi luôn ở đây!

- Vậy tôi có thể nói chuyện với ông ấy được không ạ? –Tôi mỉm cười ngọt ngào, dù cô ta không xứng với nó. – Ông ấy là bạn cũ của mẹ tôi, bà Diane Tolomei, Tôi là Giulietta Tolomei.

Cả hai người phụ nữ nhìn tôi trừng trừng, như thể tôi là hồn ma hiện lên trước mắt họ. không nói thêm một lời, người thu ngân lúc đầu xua tôi, giờ lóng ngóng đeo lại kính, gọi một cú điện thoại và nói vắn tắt bằng tiếng Ý, vẻ khúm núm, lép vế. Khi nói xong, cô ta cũng kính đặt ống nghe và quay sang tôi với một thứ na ná như nụ cười:

- Ông ấy sẽ gặp cô lúc ba giờ, ngay sau bữa trưa.

Tôi ăn bữa đầu tiên kể từ lúc đến Siena tại một cửa hàng pizza tấp nập tên là Cavallino Bianco. Trong lúc ngồi đó, ra vẻ đọc quyển từ điển tiếng Ý vừa mua, tôi bắt đầu hiểu rằng chỉ với bộ quần áo mượn và vài câu để sử dụng là có thể trao đổi thẳng với những người dân địa phương. Những người phụ nữ quanh tôi sở hữu một thứ tôi không bao giờ có, một khả năng tôi không thể làm theo, nhưng ắt hẳn là nhân tố chủ yếu trong tâm trạng khó nắm bắt và hạnh phúc, tôi ngờ vực lén nhìn nụ cười và những cử chỉ hồ hởi lúc họ trêu đùa anh bồi bàn Giulio điển trai.

Đi dạo, cảm thấy tươi tỉnh và hoạt bát hơn bao giờ hết, tôi đứng uống một tách espresso trong một quán ở quảng trường Posierla và hỏi thăm cô nhân viên đẫy đà trông máy pha cà phê về cửa hàng bán quần áo rẻ tiền trong vùng. Xét cho cùng, thật may mắn, vali của Eva Maria không có đồ lót. Phớt lờ các khách hàng khác, cô nhân viên hoài nghi nhìn lướt qua tôi và nói:

-Cô muốn mua mọi thứ mới à? Tóc mới, quần áo mới ư?

-À…

- Đừng lo, anh họ tôi là thợ làm tóc cừ nhất Sienam có khi nhất thế giới, Anh ấy sẽ làm cho tóc cô thật đẹp. Đi nào!

Sau khi nhất quyết nắm tay tôi và tự xưng là Malena, cô ta dẫn tôi đi gặp ông anh họ Luigi ngay lập tức, dù quán cà phê đang lúc đông khách và khách hàng bực tức quát theo lúc chúng tôi đi. Cô ta chỉ chún vai và cười, thừa biết họ sẽ lại xun xoe khi cô ta trở lại, có khi còn nịnh bợ hơn trước, còn bây giờ cứ để họ nếm mùi cuộc sống thiếu cô.

Lúc chúng tôi vào hiệu uốn tóc, Luigi đang quét vun tóc trên sàn. Anh ta không già hơn tôi, nhưng có cái nhìn thấu suốt của Michelangelo. Tuy nhiên, khi nhìn xoáy vào tôi, anh ta không có ấn tượng gì.

-Chào anh thân mến, - Malena nói và mổ vào hai bên má anh ta – đây là Giulietta. Cô ấy cần cải tổ cả đầu.

-Thực ra chỉ ở đuôi tóc tôi, - tôi xen vào, - Độ mười phân.

Một cuộc tranh luận chủ yếu bằng tiếng Ý nổ ra – mà tôi thấy nhẹ người vì không hiểu – Malena mới thuyết phục được Luigi nhận trường hợp thiểu não của tôi. Nhưng khi bắt tay vào việc, anh ta tiếp nhận công việc khó khăn rất nghiêm túc, Malena vừa rời cửa hiệu, anh liền bảo tôi ngồi xuống ghế, ngắm nhìn tôi trong gương, xoay tôi để kiểm tra mọi góc độ. Rồi anh ta giật sợi cao su khỏi bím tóc tôi và ném thẳng vào thùng rác với vẻ ghê tởm.

-Thôi được... Cuối cùng, Luigi nói và giũ tung tóc tôi, rồi lại nhìn vào gương lần nữa, giọng nói có vẻ đỡ chỉ trích hơn lúc trước. – không quá tệ chứ?

Hai giờ sau, khi trở lại lâu đài Tolomei, tôi càng lún sâu vào cảnh nợ nần, song thật bõ với từng xu bỏ ra. Bộ đỏ-đen của Eva Maria gấp gọn ở đáy túi mua hàng, rất hợp với đôi giày đè lên trên, còn tôi đang mặc một trong năm bộ mới mà Luigi và ông chú Paplo của anh ta ưng thuận, tình cờ ông có một cửa hàng quần áo ở ngay góc phố. Chú Paolo không biết một từ tiếng Anh, nhưng lại rất thạo thời trang, ông đã giảm 30% cho toàn bộ số hàng, với điều kiện tôi sẽ không bao giờ mặc bộ quần áo như con bọ rùa kia nữa.

Ban đầu tôi phản đối, giải thích rằng vali của tôi sẽ đến bất cứ lúc nào, nhưng rốt cuộc, sự cám dỗ quá lớn. Nhỡ vali của tôi đang đợi khi tôi trở về khách sạn thì sao? Dù sao cũng chẳng có thứ gì tôi có thể mặc ở Siena, có lẽ ngoài đôi giầy Umberto tặng tôi dịp Giáng sinh, và tôi chưa xỏ chân lần nào.

Lúc ra khỏi cửa hàng, tôi liếc nhìn mình trong từng tủ kính bày hàng mỗi khi đi qua. Tại sao tôi không làm việc này từ trước nhỉ? Từ hồi trung học, cứ khoảng hai năm, tôi lại tự cắt tóc (chỉ cắt phần đuôi thôi) bằng cái kéo làm bếp. Chỉ mất khoảng dăm phút, và nói thật, tôi nghĩ, ai bảo là khác nào? Giờ thì tôi thấy sự khác biệt rõ ràng. Không biết bằng cách nào Luigi đã làm mớ tóc cũ kỹ, tẻ nhạt của tôi trở nên sống động, tươi tốt với vẻ thoải mái mới mẻ, chảy dài trong làn gió nhẹ khi tôi bước đi, và đóng khung bộ mặt tôi như thể bộ mặt này xứng đáng để lên khung.

Hồi còn nhỏ, bà Rose đưa tôi đến hiệu cắt tóc trong làng mỗi khi bà làm đầu. Nhưng bà đủ khôn ngoan để không bao giờ đưa cả Janice và tôi đi cùng một lúc. Chỉ một lần duy nhất chúng tôi ngồi trên ghế ở hiệu cắt tóc, cạnh nhau, và đưa mặt vào sát nhau, cùng nhìn vào tấm gương lớn. Ông thợ già đã giơ bộ tóc buộc đuôi ngựa của chúng tôi lên và bảo:

-Nhìn xem! Cô này có bộ lông gấu, còn cô kia có mớ tóc của công chúa.

Bà Rose không đáp lại. Bà chỉ ngồi đó, lặng lẽ đợi ông ta nói xong. Bà trả tiền rồi cảm ơn ông ta thật nhanh và rõ ràng. Rồi bà lôi tuột chúng tôi ra cửa, như thể chính chúng tôi cư xử thiếu đàng hoàng, chứ không phải ông thợ cắt tóc. Từ ngày đó, Janice không bao giờ bỏ lỡ dịp khen ngợi mớ tóc đẹp như lông gấu của tôi.

Hồi ức đó khiến tôi suýt bật khóc. Tôi đang ở đây, mặc quần áo đẹp trong lúc bà bác Rose của tôi ở một nơi để không còn hiểu rằng cuối cùng, tôi đã thoát khỏi cái kén của mình. Nhìn thấy tôi như thế này – dù chỉ một lần thôi, - hẳn bà vui lắm nhưng tôi dám quả quyết rằng Janice sẽ chẳng bao giờ thích.

Chủ tịch Maconi là người phong nhã ở độ tuổi sáu mươi, ông mặc bộ comple và thắt cà vạt màu dịu, mái tóc dài chải từ một bên đầu, vắt qua đỉnh sang bên kia, điệu nghệ đến ngỡ ngàng. Ông giữ dáng điệu trang trọng cứng nhắc, nhưng trong cái nhìn của ông có vẻ ấm áp chân tình đến mức có thể xóa hết vẻ buồn cười ngay lập tức.

-Cô là cô Tolomei? – ông bước vội đến, nồng nhiệt bắt tay tôi như thể chúng tôi là bạn cũ. – Thật là một niềm vui bất ngờ.

Lúc cùng đi lên gác, chủ tịch Maconi xin lỗi vì những bức tường gồ ghề và sàn nhà cong queo bằng thứ tiếng Anh hoàn hảo. Ông giải thích và mỉm cười, ngay cả nhà thiết kế nội thất hiện đại nhất cũng không chông đỡ nổi một tòa nhà đã tám trăm năm tuổi.

Sau một ngày trục trặc không ngừng vì ngôn ngữ tôi nhẹ cả người vì cuối cùng cũng gặp được một người diễn đạt trôi chảy và chính xác ngôn ngữ của mình. Một chút âm sắc Anh cho thấy chủ tịch Maconi đã từng sống ở Anh một thời gian – có lẽ ông học ở đó – và trước hết, có thể giải thích lý do vì sao mẹ tôi lại chọn ông làm cố vấn tài chính cho bà.

Văn phòng của ông ở tầng thượng, và từ những cửa sổ có chấn song, ông có một phong cảnh hoàn hảo của nhà thờ San Cristoforo và vài tòa nhà đẹp mắt khác trong vùng. Tuy vậy, lúc bước tới, tôi suýt vấp phải một cái xô nhựa để giữa tấm thảm Ba Tư rộng, và sau khi biết chắc tôi vô sự, chủ tịch Maconi rất cẩn thận đặt cái xô vào đúng chỗ cũ, trước khi tôi đá nó đi.

-Có một chỗ bị dột trên mái nhà, - ông giải thích, ngước nhìn trần nhà bằng vữa nứt nẻ, - nhưng chúng tôi không thể tìm ra. Rất lạ là ngay cả khi trời không mưa, nước vẫn rỏ xuống. _ Ông nhún vai và ra hiệu mời tôi ngồi xuống một trong những chiếc ghế bằng gỗ gụ chạm khắc tinh xảo trước bàn mình. Ông chủ tịch cũ hay nói tòa nhà đang khóc. À mà ông ấy quen biết cha cô đấy.

Ngồi sau bàn, chủ tịch Maconi dựa vào lưng ghế da, ngả người hết mức và chống các đầu ngón tay vào nhau.

-Cô Tolomei, tôi có thể giúp gì cô đây?

Không hiểu sao, câu hỏi ấy khiến tôi kinh ngạc. Trước hết, tôi mải chú tâm vào việc đến đây mà ít nghĩ đến bước tiếp theo. Cho đến lúc này, tôi tin rằng Francesco Maconi sống hoàn toàn thoải mái trong trí tưởng tượng của tôi, biết rõ rằng tôi đến đây vì kho báu của mẹ tôi, ông ta đã nóng lòng đợi, đợi suốt nhiều năm ròng để cuối cùng, trao nó cho người kế thừa hợp pháp.

Song, ông Francesco Maconi thực sự không phải là con người sẵn lòng giúp đỡ đó. Tôi bắt đầu giải thích vì sao tôi đến đây, ông ta im lặng lắng nghe, chốc chốc lại gật đầu. Cuối cùng, khi tôi kể xong, ông ta trầm ngâm nhìn tôi, mặt ông không lộ ra một kết luận nào.

-Vì thế tôi đang tự hỏi, - tôi nói tiếp, nhận ra mình đã quên bẵng phần quan trọng nhất– liệu ông có thể dẫn tôi tới két an toàn của mẹ tôi không?

Tôi rút chìa khóa trong xắc ra và để lên bàn, nhưng chủ tịch Maconi chỉ liếc nhìn. Sau một lát im lặng lúng túng, ông đứng dậy và đến bên cửa sổ, tay chắp sau lưng, ông cau mày nhìn ra các mái nhà của Siena.

-Mẹ cô là một người phụ nữ khôn ngoan, - cuối cùng ông nói. –Khi Chúa Trời đưa người thông thái lên Thiên đường, Người để lại trí khôn của họ cho chúng ta. Linh hồn họ sống mãi, lặng lẽ bay lượn quanh chúng ta như những con cú, có thể nhìn thấy trong bóng đêm, trong khi cô và tôi chỉ thấy bóng tối. – Ông dừng lại, lay thử một tấm kính lớn sắp long ra. – Trong một số mặt, cú là biểu tượng đúng nhất cho toàn thể Siena, không chỉ khu vực của chúng ta.

-Vì…toàn thể dân chúng ở Siena đều thông thái sao? – Tôi gợi ý, không biết chắc ông sẽ đi đâu.

-Vì loài cú đã xuất hiện từ thời cổ xưa. Với người Hy Lạp, cú là nữ thần Athena. Một trinh nữ, nhưng cũng là một chiến binh. Người La Mã gọi bà là nữ thần Minerva. Trong các thời đại La Mã ở Siena có một ngôi đền thờ nữ thần này. Chính vì thế ngày từ thời cổ đại, trong trái tim chúng ta luôn tồn tại tình yêu Đức Mẹ Đồng Trinh Maria trước khi Chúa ra đời. Với chúng ta, bà luôn ở đây.

-Thưa chủ tịch Maconi…

-Cô Tolomei. – Cuối cùng, ông quay mặt về phía tôi. – TÔI đang cố hình dung mẹ cô muốn tôi làm gì. Cô đòi tôi cho cô một thứ đã gây ra cho bà rất nhiều đau thương. Liệu bà có thực muốn tôi đưa nó cho cô không? – Ông gượng cười. – Nhưng đây không phải là quyết định của tôi nhỉ? Bà đã để lại nó lại đây, không phá hủy nó, vì thế chắc bà muốn tôi trao nó cho cô, hoặc người nào đó. Vấn đề là: Liệu cô chắc là muốn có nó hay không?

Tiếp theo lời ông, cả hai chúng tôi đều nghe thấy trong im lặng, âm thanh của giọt nước rơi vào cái xô nhựa trong một ngày đẹp nắng, rất rõ ràng.

Sau khi gọi người giữ chiếc chìa khóa thứ hai, một signor Virgilio ủ rũ, chủ tịch Maconi dẫn tôi xuống một cầu thang riêng biệt – một cầu thang cổ xoắn trôn ốc bằng đá, chắc phải có từ thời tòa nhà bắt đầu được xây dựng, dẫn vào những hang sâu nhất của nhà băng. Lần đầu tiên tôi được biết một thế giới khác, trọn vẹn bên dưới Siena, thế giới của hàng động và bóng tối, tương phản gay gắt với thế giới của ánh sáng bên trên.

- Chào mừng đến Bottini, - chủ tịch Maconi nói lúc chúng tôi đi qua một hang động giống như một đường phố nhỏ. - Đây là cống dẫn nước ngầm cổ xưa, xây từ một ngàn năm trước, dẫn nước vào thành phố Siena. Toàn bộ cống xây bằng sa thạch và với các dụng cụ thô sơ hồi đó, những tay thợ lành nghề ở Siena đã đào một hệ thống đường hầm mênh mông, dẫn nước sạch đến các vòi phun nước công cộng và vào cả một số tầng hầm của nhà riêng. Lẽ tất nhiênhiện giờ nó không còn được dùng nữa.

-Nhưng người ta xuống đây bằng cách nào? – Tôi hỏi, sờ vào bức tường sa thạch ram ráp.

-Ồ, không! – Chủ tịch Maconi bật cười vì sự ngây thơ của tôi. –Đây là một nơi nguy hiểm. Cô rất dễ bị lạc. Không ai biết được mọi thứ về Botiini. Có nhiều câu chuyện, nhiều câu chuyện về những đường hầm bí mật từ đây tới kia, nhưng chúng tôi không muốn người ta cứ chạy quanh đây để tìm hiểu về những câu chuyện đó. Cô thấy đấy, sa thạch rất xốp. Nó đang bở tơi. Và toàn thành phố Siena đang ở ngay bên trên.

Tôi rụt tay lại.

-Nhưng bức tường này đã được…gia cố?

Trông chủ tịch Maconi hơi ngượng ngùng:

-Không.

-Nhưng đây là một nhà băng. Nếu như thế thì … nguy hiểm quá.

-Trước kia, - ông đáp, nhếch lông mày lên, không tán thành, - có người cố đột nhập. Chỉ một lần thôi. Họ đào một đường hầm. Mất nhiều tháng ròng.

- Họ có thành công không?

Chủ tịch Maconi chỉ một camera an ninh gắn trên cao, trong một góc tối tăm.

- Khi chuông báo động tắt, họ trốn thoát qua đường hầm, nhưng ít ra họ không lấy trộm được gì cả.

- Họ là ai? – Tôi hỏi. – Rồi các ông có tìm ra không?

Ông nhún vai:

-những tên găngxtơ ở Napoli. Chúng không bao giờ dám trở lại.

Cuối cùng, chúng tôi tới một khung cửa vòm, chủ tịch Maconi và signor Virglilio phải vất vả lắm mới mở được cánh của đồ sộ với chiếc chìa khóa thẻ.

- Cô thấy chưa? – Chủ tịch Maconi tự hào vì đặc điểm này. – Ngay cả chủ tịch cũng không thể mở cửa vòm này một mình. Như người ta thường nói, sức mạnh tuyệt đối hủy hoại tuyệt đối.

Bên trong hầm, các két an toàn gắn kín trên tường từ sàn đến trần. Hầu hết là nhỏ, nhưng có một số to như ngăn gửi hành lý ở sân bay. Két của mẹ tôi té ra ở vào khoảng giữa, và ngay khi chủ tịch Maconi chỉ vào đó, rồi giúp tôi tra chìa khóa, ông và signo Virgilio lịch sự ra khỏi phòng. Lúc sau, nghe thấy tiếng quẹt diêm, tôi biết rằng họ đang tranh thủ hút thuốc ở hành lang bên ngoài. Từ khi đọc thư của bà Rose lần đầu, tôi đã ấp ủ nhiều ý tưởng về kho báu của mẹ tôi, và cố hết sức không quá mong đợi để khỏi thất vọng. Nhưng trong những lúc không kiềm chế nổi trí tưởng tượng, tôi tưởng như mình sẽ tìm thấy một hộp vàng lộng lẫy, khoá kín đầy hứa hẹn, chẳng khác gì những hòm châu báu mà bọn cướp biển đào được trên các hòn đảo hoang.

Mẹ tôi để lại cho tôi một thứ đúng y như thế, Đó là một cái hộp bằng gỗ, trang trí bằng vàng, không khóa hẳn, các móc cài đã han gỉ, ngăn tôi không thể làm gì hơn là chỉ lắc nhẹ thử xem bên trong có gì. Nó có kích thước bằng cái lò nướng nhỏ, nhưng nhẹ lạ lùng, và ngay lập tức tôi loại trừ khả năng bên trong đựng vàng hoặc châu báu. Nhưng, của cải tồn tại dưới nhiều dạng và chất khác nhau, còn tôi chắc chắn không phải là người thèm khát ăn ngấu nghiến những tờ tiền có ba con số.

Lúc chúng tôi chào tạm biệt nhau, chủ tịch Maconi nhất quyết gọi taxi cho tôi.. Nhưng tôi nói với ông là không cần cái hộp nhét vào túi mua hàng của tôi rất vừa, vả lại, khách sạn Chiusarelli cách đây không xa lắm.

-Tôi muốn cô cẩn thận khi đi bộ với thứ đó, - ông nói.- Mẹ cô là người luôn thận trọng.

-Nhưng có ai biết tôi ở đây đâu? Và biết là tôi mang cái này?

Ông nhún vai:

-Bọn Salimbeni…

Tôi nhìn ông chằm chằm, không biết ông có thực sự quan trọng hóa vấn đề không.

-Xin ông đừng nói mối thù truyền kiếp xưa cũ của hai dòng họ vẫn còn!

Chủ tịch Maconi ngoảnh đi bứt rứt vì chủ đề này:

-Một Salimbeni sẽ luôn luôn là một Salimbeni.

Rời khỏi lâu đài Tolomei, tôi tự nhắc lại câu đó vài lần, tự hỏi nó chính xác nghĩa là gì. Cuối cùng, tôi quyết định rằng chẳng nên mong chờ gì hơn ở nơi này; dựa vào những câu chuyện của Eva Maria về sự kình địch gay gắt của các khu vực trong Plio hiện đại, mối cừu hận của các dòng họ cổ xưa từ thời Trung cổ đến nay vẫn còn rất mạnh mẽ, dẫu vũ khí đã thay đổi.

Lưu tâm đến di sản Tolomei của mình, tôi giữ dáng vẻ hiên ngang lúc đi qua lâu đài Salimbeni lần thứ hai trong ngày hôm ấy, chỉ để Allessandro biết rằng – nếu anh ta tình cờ nhìn ra cửa sổ vào đúng lúc đó – có một sheriff mới trong thành phố.

Lúc tôi liếc nhìn lại phía sau xem liệu chỉ có một mình tôi không, tôi nhận ra một người đàn ông đang đi sau tôi. Không hiểu sao, trông gã không hợp cảnh; đường phố đầy những du khách vui vẻ, những bà mẹ đẩy xe nôi, những người vận đồ công sở, nói chuyện rất to tiếng vào điện thoại di động với những người vô hình nào đó. Trái lại, người này mặc bộ thường phục bẩn thỉu, đeo cặp kính râm tráng gương, nhưng không che giấu được thực tế là gã đang nhìn chằm chằm vào cái túi của tôi.

Hay tôi tự tưởng tượng ra chuyện này? Những lời của chỉ tịch Maconi lúc chia tay đã làm tôi mất bình tĩnh chăng? Tôi dừng lại trước một tủ kính bày hàng, rát mong người đó sẽ đi qua và tiếp tục đường của hắn. Nhưng không. Tôi vừa đứng yên, gã cũng dừng lại, giả vờ nhìn vào tờ áp phích trên tường. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy những cái nhói đau của sự sợ hãi, như Janice thường gọi, và thở sâu vài hơi, tôi điểm qua các lựa chọn. Nhưng thực ra chỉ có một việc duy nhất để làm. Nếu tôi vẫn đi, gã sẽ có nhiều cơ hội lén đến gần và giằng lấy cái túi khỏi tay tôi, hoặc tệ hơn, gã sẽ đi theo để xem tôi nghỉ ở đâu, rồi sau đó đến thăm tôi.

Tôi ngập ngừng bước vào một cửa hàng, rồi vừa vào hẳn bên trong, tôi chạy ngay đến chỗ lễ tân và hỏi liệu tôi có thể ra khỏi đây bằng cửa hậu không. Chỉ ngước lên khỏi tờ tạp chí xe máy, anh ta chỉ vào một cánh cửa ở đầu kia căn phòng.

Mười giây sau, tôi đã lao ra một ngõ phố hẹp, gần một dãy xe Vespa đỗ sát nhau. Tôi không biết mình đang ở đâu, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là tôi vẫn còn nguyên mấy cái túi.

Khi chiếc taxi thả tôi ở sau khách sạn Chiusarelli, tôi sung sướng trả tiền cho chuyến đi. Nhưng khi tôi biếu người lái xe tiền trà thuốc quá nhiều, anh ta lắc đầu phải đối và trả lại gần hết.

-Cô Tolomei! – giám đốc Rossini tiến thẳng đén chỗ tôi với vẻ hoảng hốt, ngay lúc tôi vừa bước vào tiền sảnh. – Cô ở đâu đấy? Đại úy Santini vừa ở đây. Mặc quân phục! Có chuyện gì thế?

- Ồ!-Tôi cố mỉm cười. – Có lẽ anh ấy đến mời tôi đi uống cà phê chăng?

Giám đốc Rossini nhìn tôi trừng trừng, lông mày ông rướn lên thành hình vòng cung, tỏ vẻ không tán thành:

- Tôi không nghĩ đại úy đến đây với mục đích trần tục, cô Tolomei ạ. Tôi rất mong cô gọi cho anh ấy. Đây, - ông ta đưa cho tôi tấm danh thiếp như thể đó là chiếc bánh thánh. – Đây là số điện thoại của anh ấy viết ở mặt sau, cô thấy chưa? Tôi mong rằng, - giám đốc Rossini cao giọng lúc tôi đi qua ông để xuống đại sảnh, - cô sẽ gọi cho anh ấy ngay bây giờ!

Mất tới một giờ - và vài chuyến qua lại bàn lễ tân của khách sạn tôi mới mở được cái hộp. sau khi thử mọi thứ dụng cụ tôi có, như chìa khóa khách sạn, bàn chải răng, ống nghe điện thoại, tôi chạy xuống mượn nào nhíp, nào bấm móng tay, rồi kìm, và cuối cùng là tua-vit, thừa biết rằng mỗi lần nhìn thấy tôi, giám đốc Rossini trông càng ít thân thiện hơn.

Mẹo cuối cùng chưa mở hẳn được cái móc cài han gỉ nhưng tôi phải mất một lúc mới nới lỏng được ổ khóa, vì cái tua-vít quá nhỏ. Nhưng tôi chắc giám đốc Rossini sẽ nổi khùng nếu tôi xuất hiện ở bàn tiếp tân của ông thêm lần nữa.

Với những cố gắng này, hy vọng và mong đợi của tôi về những thứ chứa trong hộp mỗi lúc một dữ dội hơn, và khi có thể mở được nắp, tôi chỉ còn biết thở nhẹ để đề phòng. Thấy hộp nhẹ như thế, tôi tin rằng trong hộp là một thứ mỏng manh và rất giá trị, nhưng khi nhìn vào bên trong, tôi nhận ra mình đã lầm.

Trong hộp chẳng có thứ gì mỏng manh, chính xác là chẳng có gì ngoài giấy má. Những tờ giấy tẻ nhạt. không tiền, không cổ phiếu hoặc di chúc hay bất kỳ thứ gì khác thuộc chứng khoán, ngoài những bức thư trong phong bì và nhiều tờ văn bản đánh máy được ghim lại hoặc cuộn tròn và buộc dây cao su đã mục. Những đồ vật có tính thực tế duy nhất trong hộp là một cuốn sổ tay với nhiều dòng nguệch ngoạc, một cuốn Romeo và Juliet bìa mềm, rẻ tiền của Shakespeare, một sợi dây chuyền bạc có mặt là cây thánh giá cũ.

Tôi kiểm tra cây thánh giá một lúc, tự nhủ nó đã quá cũ và liệu có giá trị gì không. Nhưng tôi ngờ lắm. Dẫu nó là đồ cổ, song chỉ làm bằng bạc và nhìn chẳng có gì đặc biệt.

Cuốn Romeo và Juliet bìa mềm cũng thế. Tôi giở qua vài lần, xem có thứ gì giá trị, nhưng nó chỉ làm tôi sửng sốt vì đó là thứ ít hứa hẹn nhất, không có lấy một dòng ghi chú bằng bút chì bên lề.

Mặt khác cuốn sổ tay có vài bức vẽ thú vị - với chút ít thiện chí- chỉ rõ những gì phải làm để săn tìm kho báu. Hay có khi chỉ là những phác họa trong các chuyến thăm bảo tàng và các công viên có tượng. Cụ thể là một pho tượng đã lọt vào mắt mẹ tôi – nếu cuốn sổ và những bức vẽ này đúng là của bà – và tôi hiểu vì sao.

Tranh vẽ một nam và một nữ; người đàn ông đang quỳ gối, ôm người phụ nữ trong tay mắt cô ta không mở, tôi đoán cô đang ngủ hoặc đã chết. Trong sổ có ít nhất khoảng hai chục bức vẽ khác nhau về pho tượng này, nhiều bức nhấn mạnh các chi tiết như nét mặt và nói thật chẳng bức nào khiến tôi hiểu hơn vì sao mẹ tôi lại bị nó ám ảnh đến thế.

Ở đáy hộp để mười sáu bức thư riêng. Năm bức của bà Rose, van nài mẹ tôi từ bỏ “những ý định khờ dại” và trở về nhà; bốn bức khác cũng của bà Rose nhưng gửi sau đó, và mẹ tôi không bao giờ mở ra. Những thư còn lại bằng tiếng Ý, của những người tôi không hề biết.

Lúc này, chẳng còn gì trong hộp ngoài các văn bản đánh máy. Một số bản gấp nếp và phai màu, những bản khác mới hơn và cứng hơn, phần lớn bằng tiếng Anh, ngoài ra có một bản viết bằng tiếng Ý. Không bản nào có vẻ là bản gốc, - trừ bản tiếng Ý – tất cả đều là bản dịch và chắc hẳn được đánh máy trong khoảng một trăm năm gần đây.

Khi đọc kỹ cả mớ đó, dần dần tôi hiểu rằng thực ra vẫn có lý lẽ riêng trong vẻ điên rồ bề ngoài, và khi nhận thức được điều đó, tôi vội trải các văn bản này lên giường theo thứ tự niên đại:

Nhật ký của Danh họa Ambrogio (1340)

Những bức thư của Giulietta gửi Giannozza(1340)

Lời thú nhận của tu sĩ Lorenzo (1340)

Lời nguyền trên tường (1370)

Ba mươi ba truyện của Masuccio Salernitano (1476)

Romeo và Juliet của Luigi da Porto (1530)

Romeo và Juliete của Matteo Bandello (1554)

Romeus và Juliet của Arthu Brooke (1562)

Romeo và Juliet của William Shakespeare (1597)

Cây phả hệ của Giulietta và Giannozza

Tuy nhiên, khi đã bày mọi thứ ra trước mắt, tôi càng có cảm giác đây là một bộ sưu tập. Bốn văn bản đầu – tất cả đều từ thế kỷ 14 – đều khó hiểu và đứt đoạn, trong khi những bản sau rõ ràng hơn. Nhưng quan trọng nhất, tất cả các bản sau đều có một điểm chung: tất thảy là các bản phóng tác truyện Romeo và Juliet, đỉnh cao là bản phần lớn mọi người đều biết: Thảm kịch tuyệt vời và bi thương nhất của Romeo và Juliet của Shakespeare.

Dù tôi luôn tự coi mình có chút chuyên môn về vở kịch này, tôi vẫn rất kinh ngạc khi phát hiện ra rằng thực ra, Shakespeare không phải là người sáng tác ra câu chuyện, mà ông chỉ dựa theo các nhà văn đi trước. Dẫu có như vậy, Shakespeare vẫn là một thiên tài chữ nghĩa, nếu như ông không cho toàn bộ câu chuyện chạy qua cỗ máy thơ năm âm tiết của mình chưa chắc nó đã được biết đến rộng rãi như thế. Tuy vậy, - theo quan niệm khiêm tốn của tôi – có vẻ như nó đã là câu chuyện hay về một lời nguyền khi lần đầu tiên xuất hiện trên bàn ông. Và bản phóng tác đầu tiên rất thú vị - bản của Masucio Salernitano năm 1476 – vì câu chuyện không bắt đầu ở Verona, mà ở ngay đây, ở Siena.

Phát kiến văn chương này khiến tôi rối trí vì, nói thật lòng, tôi không giấu nổi nỗi thất vọng riêng, khá lớn. Trong hộp của mẹ tôi chẳng có gì giá trị về tiền bạc, và tất cả chỗ giấy tờ tôi đã xem, cũng chẳng có mảy may gợi ý nào về các thứ quý giá của gia đình được chôn giấu ở đâu đó.

Lẽ ra, tôi nên xấu hổ vì suy nghĩ như thế; lẽ ra, tôi nên cảm kích hơn vì cuối cùng, tôi đang giữ trong tay một kỷ vật của mẹ tôi.

Nhưng tôi qua bối rối nên khó mà giữ được lý trí. Tại sao bà bác Rose lại tin rằng có một thứ vô cùng giá trị đang bị đe dọa, xứng đáng cả một chuyến đi đến nơi mà bà vẫn coi là nguy hiểm nhất, là đất nước Italy này? Tại sao mẹ tôi lại cất cái hộp đựng toàn giấy tờ này trong nhà băng? Lúc này tôi thấy mình ngớ ngẩn, nhất là khi nghĩ đến người đàn ông mặc thường phục. Đương nhiên, anh ta không đi theo tôi. Hẳn đấy cũng là một điều tưởng tượng trong mọi thứ tưởng tượng phong phí của tôi mà thôi.

Tôi bắt đầu đọc lướt qua hai bản đầu, không nhiệt tình lắm. Đó là Lời thú nhận của tu sĩ Lorenzo và Những bức thư của Giulietta gửi Giannozza, cả hai đều làbộ sưu tập những câu rời rạc như “ Em thề với Đức Mẹ Đồng Trinh rằng, em đã hành động theo ý muốn của Thượng Đế” và “nằm trong quan tài suốt dọc đường đến Siena, để đề phòng bọn cướp Salimbeni”

Nhật ký của danh họa Ambrogio dễ đọc hơn, nhưng khi bắt đầu đọc qua, tôi gần như ước giá mình đừng đọc. Dù danh họa này là ai, ông ta đã bị thổ tả trầm trọng theo đúng nghĩa và viết cả một cuốn nhật ký về mọi chuyện tầm phảo xảy ra với ông ta – và, cứ theo bề ngoài mà xét, thì với các bạn của ông ta nữa – trong năm 1340. Tôi có thể nói rằng, nó chẳng dính dáng gì đến tôi hoặc đến bất cứ thứ gì trong chiếc hộp của mẹ tôi.

Đúng lúc đó, mắt tôi chợt nhìn thấy một cái tên giữa văn bản của nhà danh họa.

Giulietta Tolomei

Tôi cuống cuồng xem kỹ trang này dưới ngọn đèn cạnh giường. Nhưng không, tôi không nhầm; sau những mơ màng ban đầu, vất vả mãi mới miêu tả được một mỹ nhân hoàn hảo, danh họa Ambrogio lắm lời này viết hết trang này đến trang khác về một thiếu nữ tình cờ có cái tên giống hệt tôi. Trùng hợp ư?

Ngả người trên giường, tôi bắt đầu đọc từ đầu cuốn nhật ký, thỉnh thoảng tham khảo chéo những đoạn rời rạc khác. Cuộc hành trình trở lại Siena vào năm 1340, và quan hệ họ hàng của tôi với người phụ nữ có tên giống hệt tôi đã bắt đầu như thế.
Chương trước
Chương sau
icon
TruyệnAZ là nền tảng mở trực tuyến, miễn phí đọc truyện chữ được convert hoặc dịch kỹ lưỡng, do các converter và dịch giả đóng góp, rất nhiều truyện hay và nổi bật được cập nhật nhanh nhất với đủ các thể loại tiên hiệp, kiếm hiệp, huyền ảo ...